Ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIII
Cử tri Xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên; Xã Thiện Kế, huyện Sơn Dương đề nghị:

Hằng năm, tỉnh hỗ trợ kinh phí tiêm vắc xin phòng dịch cho đàn gia súc. Thường xuyên quan tâm, theo dõi tình hình dịch bệnh ở các địa phương và có giải pháp xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra để hạn chế tối đa những thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh gây ra.

TRẢ LỜI:

* Về đề nghị hằng năm, tỉnh hỗ trợ kinh phí tiêm vắc xin phòng dịch cho đàn gia súc.

Căn cứ Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2016-2020, hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh cấp kinh phí hỗ trợ công tác tiêm phòng trên địa bàn tỉnh, cụ thể:

- Đối với các xã khu vực III, khu vực II: Được hỗ trợ vắc xin tiêm phòng bệnh Tụ huyết trùng trâu, bò, lợn; Bệnh Niu cát xơn (bao gồm vắc xin Niu cát xơn và vắc xin La xô ta), bệnh Dịch tả vịt.

- Đối với các xã thuộc vùng đệm trong Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Lở mồm long móng giai đoạn 2016-2020 (gồm các xã thuộc huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa) được hỗ trợ vắc xin phòng bệnh Lở mồm long móng cho đàn trâu, bò trên địa bàn.

Căn cứ danh sách các xã ban hành theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, xã Yên Lâm (huyện Hàm Yên) là xã khu vực III và xã Thiện Kế (huyện Sơn Dương) là xã khu vực II, thuộc diện được hỗ trợ vắc xin tiêm phòng bệnh Tụ huyết trùng trâu, bò, lợn; bệnh Niu cát xơn (bao gồm vắc xin Niu cát xơn và vắc xin La xô ta), bệnh Dịch tả vịt.

Năm 2018, công tác tiêm phòng trên toàn tỉnh đã được Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, các xã quan tâm triển khai, đã thành lập Ban Chỉ đạo tiêm phòng tại các xã để chỉ đạo, triển khai thực hiện việc tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Kết quả tiêm phòng trên toàn tỉnh cơ bản đạt tỷ lệ theo quy định. Tại xã Yên Lâm (huyện Hàm Yên) và xã Thiện Kế (huyện Sơn Dương), Ban Chỉ đạo tiêm phòng của xã đã triển khai công tác tiêm phòng, kết quả như sau:

- Kết quả tiêm phòng trên địa bàn xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên:

+ Phòng bệnh Lở mồm long móng: Vụ Xuân - Hè, đã tiêm phòng tổng số 665 con gia súc gia cầm; trong đó: 468 con trâu; 42 con bò; 130 con dê; 25 con lợn nái, lợn đực giống. Vụ Thu - Đông, đã tiêm phòng cho 22 con lợn nái, lợn đực giống.

+ Phòng bệnh Tụ huyết trùng: Vụ Xuân - Hè, đã tiêm phòng cho 12.330 con gia súc, gia cầm; trong đó 468 con trâu; 42 con bò; 820 con lợn; 11.000 con gia cầm. Vụ Thu - Đông, đã tiêm cho 395 con trâu; 55 con bò; 1.340 con lợn; 17.500 con gia cầm.

+ Bệnh dịch tả lợn: Vụ Xuân - Hè, đã tiêm 820 con; vụ Thu - Đông, đã tiêm 1.350 con.

+ Bệnh Niu cát xơn (gia cầm): Vụ Xuân - Hè, đã tiêm 13.000 con; vụ                Thu - Đông, đã tiêm 18.100 con.

- Kết quả tiêm phòng trên địa bàn xã Thiện Kế, huyện Sơn Dương:

+ Phòng bệnh Lở mồm long móng: Vụ Xuân - Hè, đã tiêm tổng số 579 con gia súc gia cầm; trong đó: 175 con trâu; 62 con bò; 26 con dê; 316 con lợn nái, lợn đực giống. Vụ Thu - Đông, đã tiêm cho 42 con trâu; 37 con bò; 550 con lợn nái, lợn đực giống.

+ Phòng bệnh Tụ huyết trùng: Vụ Xuân - Hè, đã tiêm cho 20.624 con gia súc, gia cầm; trong đó: 263 con trâu; 75 con bò; 6.059 con lợn; 14.227 con gia cầm. Vụ Thu - Đông, đã tiêm cho 111 con trâu; 92 con bò; 5.874 con lợn; 17.175 con gia cầm.

+ Bệnh dịch tả lợn: Vụ Xuân - Hè, đã tiêm 7.159 con; vụ Thu - Đông, đã tiêm 6.697 con.

+ Bệnh Niu cát xơn (gia cầm): Vụ Xuân - Hè, đã tiêm 25.887 con; vụ Thu - Đông, đã tiêm 22.910 con.

* Về đề nghị thường xuyên quan tâm, theo dõi tình hình dịch bệnh ở các địa phương và có giải pháp xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra để hạn chế tối đa những thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh gây ra

Thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các đơn vị chức năng tích cực phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, các xã trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, cụ thể:

- Hướng dẫn người chăn nuôi tổ chức chăn nuôi theo quy hoạch của địa phương; chăn nuôi theo hướng quy mô trang trại, gia trại, chăn nuôi tập trung hàng hóa; không thả rông gia súc, gia cầm; thực hiện tốt các phương án phòng, chống đói rét trong mùa đông; chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường; thường xuyên thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng, trại, môi trường chăn nuôi.

- Vận động người chăn nuôi chấp hành tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh, đảm bảo đã chăn nuôi thì phải tiêm phòng.

- Tổ chức tuyên truyền các quy định về vận chuyển, giết mổ động vật, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Tuyên truyền, phổ biến để người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ thực hiện tốt nguyên tắc “5 không” cụ thể: Không giấu dịch; không mua, bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Để hạn chế tối đa những thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh gây ra, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền đến nhân dân tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, như: Chăm sóc, nuôi dưỡng và theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến đàn gia súc, gia cầm; vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường, chuồng trại chăn nuôi; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định cho đàn gia súc, gia cầm; khi mua con giống về chăn nuôi phải rõ nguồn gốc, khỏe mạnh và đã tiêm phòng các loại vắc xin; đảm bảo cung cấp đầy đủ thức ăn cho gia súc, gia cầm; phải có chuồng nuôi, tuyệt đối không thả rông gia súc, gia cầm; thường xuyên theo dõi sức khỏe gia súc, gia cầm, khi phát hiện có biểu hiện bất thường phải báo cáo ngay cho Ủy ban nhân dân xã hoặc nhân viên thú y xã để được điều trị hoặc xử lý kịp thời.