Ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIII
Cử tri Xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương đề nghị:

Hướng dẫn thực hiện việc thu, chi Quỹ phòng chống thiên tai đúng theo quy định. Hiện nay, việc thu quỹ thực hiện từ năm 2015 nhưng khi xảy ra thiên tai thì nhân dân lại không được hỗ trợ.

TRẢ LỜI:

* Về đề nghị "Hướng dẫn thực hiện thu, chi Quỹ Phòng chống thiên tai đúng theo quy định":

Sau khi Quỹ Phòng chống thiên tai tỉnh Tuyên Quang được thành lập, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan quản lý Quỹ) đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện về công tác thu, chi Quỹ Phòng chống thiên tai, cụ thể như sau: Hướng dẫn số 1068/SNN-TL ngày 30/5/2016 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về xây dựng kế hoạch thu nộp Quỹ Phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh; Hướng dẫn liên ngành 1236/HD-LN ngày 06/11/2017 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Tài chính về trình tự, thủ tục, hồ sơ thanh toán kinh phí Quỹ Phòng chống thiên tai tỉnh, trong đó quy định cụ thể các nội dung về: Cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai; hỗ trợ các hoạt động ứng phó thiên tai; hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa thiên tai:

* Về đề nghị "Hiện nay, việc thu quỹ đã thực hiện từ năm 2015 nhưng khi xảy ra thiên tai thì nhân dân lại không được hỗ trợ":

Quỹ Phòng chống thiên tai tỉnh được thực hiện thu từ năm 2015, với kết quả thu Quỹ tính đến ngày 20/01/2019 được 10.340 triệu đồng, trong đó Quỹ thu được từ huyện Sơn Dương là 1.037 triệu đồng.

Qua theo dõi diễn biến thiên tai và thiệt hại xảy ra trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Sơn Dương nói riêng từ năm 2016 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kịp thời tổng hợp, báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chi Quỹ Phòng chống thiên tai để hỗ trợ khắc phục các thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn các huyện, thành phố với tổng số kinh phí hỗ trợ là 8.726 triệu đồng, trong đó hỗ trợ huyện Sơn Dương theo các đợt thiên tai với tổng kinh phí là 1.800 triệu đồng (cụ thể: 500 triệu đồng để thực hiện khắc phục sửa chữa rãnh thoát nước nhà máy may Phúc Ứng, xã Phúc Ứng; 1.000 triệu đồng để cải tạo mở rộng tuyến đường tránh qua đoạn đê thôn Xạ Hương, xã Đông Thọ; 300 triệu đồng sửa chữa cống dưới đê Đồng Rôm xã Vĩnh Lợi).

Các thiệt hại do thiên tai gây ra đối với tài sản của nhân dân ở mức độ lớn cần xem xét hỗ trợ thì ngay sau khi xảy ra thiên tai trên địa bàn, Ban Chỉ huy Quỹ Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn cấp xã có trách nhiệm thống kê thiệt hại của các hộ gia đình, cá nhân, cơ quan tổ chức bị thiệt hại do thiên tai, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã, huyện. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định cứu trợ ngay những trường hợp cần thiết, khẩn cấp về lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh. Trường hợp dự phòng ngân sách cấp xã không đủ đáp ứng, lập văn bản đề nghị gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét hỗ trợ; căn cứ mức độ thiệt hại, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định sử dụng nguồn ngân sách dự phòng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện hỗ trợ, trường hợp thiếu nguồn kinh phí thì báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét hỗ trợ từ Quỹ Phòng chống thiên tai tỉnh và các nguồn vốn khác.

Để thực hiện việc thu nộp, chi Quỹ Phòng chống thiên tai công khai, dân chủ, đúng quy định, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân huyện Sơn Dương tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn lập kế hoạch và thu nộp Quỹ Phòng chống thiên tai đồng thời hướng dẫn về trình tự thủ tục hỗ trợ thiệt hại do thiên tai gây ra theo các chính sách của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh quy định; chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, thị trấn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn tới người dân về các văn bản liên quan đến Quỹ Phòng chống thiên tai; khi có thiệt hại do thiên tai gây ra, thực hiện đúng các quy định về báo cáo, thống kê và đề xuất hỗ trợ để được kịp thời giải quyết.