Xem xét có chính sách miễn học phí cho các cháu đi nhà trẻ, mẫu giáo dưới 5 tuổi tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, hiện nay mới có các đối tượng thuộc diện con hộ nghèo được miễn
Tại Khoản 2, 3, 4, 5, Điều 7 Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021, quy định đối tượng trẻ em học mẫu giáo được miễn học phí như sau:
“2. Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế.
3. Trẻ em học mẫu giáo và học sinh dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng quy định tại khoản 1, Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
4. Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
5. Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông là con của hạ sĩ quan và binh sĩ, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong lực lượng vũ trang nhân dân.”
Như vậy, Nghị định số 86/2015/NĐ-CP chỉ quy định việc miễn học phí cho một số đối tượng trẻ mầm non (từ 3 đến 5 tuổi) nêu trên; không có quy định miễn học phí cho trẻ nhà trẻ.
Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 08/8/2018 của Chính phủ về phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7/2018, theo đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Chính phủ đã thống nhất chủ trương miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 29-NQ/TW (khóa XI); đồng thời giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương xác định nhu cầu nguồn kinh phí thực hiện chính sách này theo lộ trình phù hợp.