Về lĩnh vực nông lâm nghiệp: Đề nghị tỉnh quan tâm có cơ chế hỗ trợ các dự án trồng rau hữu cơ; mô hình nuôi cá chép ruộng; trâu, bò vỗ béo gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nghiên cứu một số loại cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để sản xuất hàng hóa giá trị cao, phát triển kinh tế nâng cao đời sống của người dân trong thôn
* Về đề nghị quan tâm có cơ chế hỗ trợ các dự án trồng rau hữu cơ gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm:
Trong những năm gần đây, việc chỉ đạo, hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ là một trong những nhiệm vụ được ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm triển khai thực hiện. Năm 2018, Hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh Tuyên Quang được thành lập và đi vào hoạt động, đến nay, Hội nông nghiệp hữu cơ tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với Hiệp Hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, thành lập 03 Liên nhóm hữu cơ tại các huyện: Hàm Yên, Yên Sơn và Sơn Dương. Đến hết năm 2019, một số cây trồng đã được công nhận diện tích hữu cơ và hữu cơ chuyển đổi: Xã Tân Thành, huyện Hàm Yên có 30,5 ha cam/17 hộ; xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn có 29,4 ha bưởi/19 hộ; huyện Sơn Dương có 03 ha lúa hữu cơ tại xã Tân Trào; 03 ha chè hữu cơ tại xã Trung Yên.
Hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh để trình Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII xem xét tại kỳ họp thứ 11. Sau khi Nghị quyết được ban hành, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, triển khai thực hiện tại các địa điểm phù hợp trên địa bàn tỉnh.
* Về đề nghị nghiên cứu một số loại cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để sản xuất hàng hóa giá trị cao, phát triển kinh tế nâng cao đời sống của nhân dân trong thôn:
Tiếp thu ý kiến cử tri, trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh giao:
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị chức năng của huyện Na Hang, Ủy ban nhân dân xã Thanh Tương thực hiện:
+ Tìm hiểu các kỹ thuật tiến bộ mới; các cây trồng có giá trị kinh tế phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương; cách thức tổ chức sản xuất, liên kết mang lại hiệu quả để hướng dẫn nhân dân trong thôn Bản Bung áp dụng.
+ Hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng: Tổ chức sản xuất các giống rau ưa lạnh chính vụ (khoai tây, bắp cải, su hào, cà chua, dưa chuột, bí); trồng một số giống rau lệch vụ, trái vụ mang lại giá trị kinh tế cao (dưa chuột, cà chua, bắp cải, su hào); phát triển một số giống rau đặc sản của địa phương để trồng dưới tán rừng (bò khai, giảo cổ lam); trồng cây ăn quả ưa lạnh (lê, mận).
+ Tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất: Lựa chọn các giống cây trồng có năng suất, chất lượng tốt; sử dụng các chế phẩm sinh học (EM, Trichoderma) ủ phân hữu cơ, xử lý tàn dư thực vật; chăm sóc cây trồng đúng kỹ thuật (bón phân cân đối, hợp lý, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh, quản lý cỏ dại bằng biện pháp cơ học, áp dụng quản lý dịch hại cây trồng bằng biện pháp dịch hại tổng hợp,...).
+ Hướng dẫn nhân dân áp dụng canh tác hữu cơ vào trong sản xuất, chú trọng đối với sản xuất cây rau để tạo ra sản phẩm cây trồng có giá trị cao, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe con người.
+ Giới thiệu các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản có năng lực, có uy tín trong và ngoài tỉnh để liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa.
- Ủy ban nhân dân huyện Na Hang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thuộc huyện tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân, các Tổ hợp tác, các Hợp tác xã trong huyện áp dụng các mô hình sản xuất có hiệu quả (mô hình trồng rau an toàn tại xã Hồng Thái; mô hình trồng rau trái vụ tại xã Khâu Tinh; phát triển cây hồng không hạt tại xã Đà Vị,...) vào trong sản xuất; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mời gọi, khuyến khích doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân.