Ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV
Cử tri Xã Tân Mỹ, huyện Chiêm Hóa đề nghị:

Đề nghị xem xét có biện pháp bình ổn giá vật tư nông nghiệp và thức ăn chăn nuôi. Cử tri phản ánh, hiện nay đầu vào của vật tư nông nghiệp và thức ăn chăn nuôi cao trong khi sản phẩm đầu ra giá bán lại thấp người dân làm không có lãi.

TRẢ LỜI:

Giá thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản hiện nay đang tăng rất cao, nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid -19, nhiều loại nguyên liệu trên thị trường thế giới tăng giá mạnh đã ảnh hưởng lớn đến ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước (phụ thuộc 70-80% vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu).

Giá bán gia súc, gia cầm và thủy sản thấp, làm cho việc tiêu thụ bị ứ đọng, có nơi không tiêu thụ được, nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, sự giao thương giữa các vùng bị hạn chế và quy định giãn cách xã hội để phục vụ công tác phòng chống dịch đã làm ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm. Riêng đối với thịt lợn, giá bán đều giảm trên cả nước do Nhà nước có chính sách nhập khẩu thịt lợn đông lạnh về Việt Nam (trong 9 tháng đầu năm 2021 tăng 62% so với cùng kỳ năm 2020) và do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, dịch tả lợn châu Phi.

Trước tình hình dịch Covid-19, để giúp người chăn nuôi trong việc tiêu thụ sản phẩm và duy trì phát triển chăn nuôi bền vững, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, các đơn vị liên quan:

- Thực hiện rà soát chi tiết về tổng đàn gia súc, gia cầm và sản lượng thủy sản hiện có, đến tuổi xuất bán và khả năng tiêu thụ của từng loại sản phẩm, qua đó phối hợp với các cơ quan, Hiệp hội, tổ chức đoàn thể trong tỉnh triển khai các biện pháp hỗ trợ tiêu thụ.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai cuộc vận động người Tuyên Quang ưu tiên dùng hàng Tuyên Quang, đặc biệt tuyên truyền đến cán bộ công nhân viên chức và người lao động trên đại bàn tỉnh; xây dựng các phóng sự, tin bài quảng bá và giới thiệu các sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đăng trên Báo Tuyên Quang và phát trên truyền hình tỉnh và Trung ương.

- Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá và giới thiệu sản phẩm tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt triển khai có hiệu quả Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp sản phẩm nông nghiệp an toàn thông qua nội dung hợp tác, kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản theo chuỗi cung cấp rau, thịt cho thành phố Hà Nội.

- Phối hợp với các đơn vị chuyên môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện chăn nuôi theo quy trình kỹ thuật; áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn chăn nuôi an toàn dịch bệnh, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩn ngày càng cao của thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

- Giao Ủy ban nhân dân huyện, thành phố bố trí và quản lý các điểm tập kết, thu mua nông sản; đảm bảo các điều kiện thuận lợi cho các thương lái đến thu mua sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn quản lý và có các biện pháp bảo đảm an toàn dịch bệnh trong việc tiêu thụ nông sản.