Những dấu mốc quan trọng trong công tác giáo dục và đào tạo của tỉnh Tuyên Quang

Sáng 5/9, cùng với cả nước, các trường học trên địa bàn tỉnh đồng loạt khai giảng năm học mới 2019-2020. Chào mừng năm học mới 2019 - 2020, xin được điểm lại những dấu mốc quan trọng trong công tác giáo dục và đào tạo của tỉnh từ năm 1992 đến nay.

1. Hoàn thành phổ cập và phổ cập đúng độ tuổi giáo dục tiểu học

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ 12 đề ra mục tiêu “Phấn đấu đến năm 1995, hoàn thành công tác phổ cậpgiáo dục tiểu học, căn bản xóa mù chữ cho số người trong độ tuổi”. Ủy ban nhân dân tỉnh đã xây dựng kế hoạch phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ với những chỉ tiêu và bước đi cụ thể đến từng xã. Tiếp tục phát triển mạng lưới trường lớp tiểu học đến từng thôn, bản theo hướng đưa lớp học đến gần học sinh, đảm bảo ở đâu có từ 10 học sinh trở lên có nhu cầu học thì mở lớp và có giáo viên dạy, quyết tâm không để bản trắng về giáo dục tiểu học. Thực hiện đa dạng hoá các loại hình dạy và học. Ở vùng cao, vùng sâu, nơi nào có ít học sinh thì mở lớp ghép hoặc lớp linh hoạt; số trẻ em đến lớp vùng này đều được mượn sách giáo khoa và hỗ trợ giấy, bút, mực để học tập. Đồng thời, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ cho các giáo viên cắm bản, giáo viên dạy lớp ghép, giáo viên dạy trường chính xã vùng cao, vùng sâu; giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh; giáo viên dạy trường chuyên. Kịp thời khen thưởng cho học sinh, giáo viên có học sinh đạt thàh tích cao trong dạy và học.


Lãnh đạo tỉnh với các em học sinh đạt giải nhất, nhì, ba kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT.

 Năm 1995 tỉnh đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ với 6/6 huyện, thị xã (đạt tỷ lệ 100%) và 126/145 xã, phường đạt chuẩn (đạt tỷ lệ 87%); tỷ lệ huy động trẻ từ 6-14 tuổi đến trường đạt 95%, số trẻ 14 tuổi tốt nghiệp tiểu học đạt 71%; tỷ lệ người từ 15 - 35 tuổi biết chữ đạt 95%. Đến năm 1996, có 145/145 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ, kết quả này đều được duy trì qua các năm.

Trên nền tảng kết quả đạt được, tỉnh tiếp tục thực hiện muc tiêu phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi vưới những biện pháp mạnh; quy định trách nhiệm gia đình phải cho con, em đi học đúng độ tuổi; mở lớp học tiểu học đến thôn bản, mở cả các lớp ghép để tạo điều kiện cho trẻ đến lớp; thực hiện “Một hội đồng hai nhiệm vụ”, các trường tiểu học trong toàn tỉnh vừa thực hiện dạy phổ thông vừa thực hiện xoá mù chữ và dạy bổ túc văn hoá tiểu học; đồng thời, kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý các trường học nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường bồi dưỡng và đào tạo giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn; tập huấn cho 100% giáo viên tiểu học về chương trình thay sách; tập trung xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học. Năm 2003 tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi với 6/6 huyện, thị xã (đạt tỷ lệ 100%) và 131/145 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn (đạt tỷ lệ 90,3%); đến năm 2005 tỷ lệ số xã đạt chuẩn đạt phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi đạt 100.

2. Hoàn thành phổ cập giáo dục Trung học cơ sở

Thực hiện chủ trương phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tỉnh quan tâm phát triển mạng lưới trường, lớp học và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Đồng thời tiếp tục thực hiện phương thức “Một hội đồng, hai nhiệm vụ”; các trường học vừa tập trung duy trì sỹ số học sinh, đảm bảo chất lượng dạy học, vừa tham gia điều tra số người trong độ tuổi để huy động ra lớp, mở và dạy các lớp bổ túc văn hoá trung học cơ sở; ở những nơi không có điều kiện tập trung học sinh ra trường trung tâm thì mở tại thôn hoặc liên thôn. Thành lập trung tâm học tập cộng đồng tại các xã, tổ chức hoạt động theo quy định và mở các lớp xoá mù chữ, bổ túc trung học cơ sở. Tiếp tục củng cố, phát triển hệ thống trường, lớp cho học sinh dân tộc thiểu số, hoàn thiện hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú và trường dân tộc bán trú tại các huyện.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo tỉnh Tuyên Quang đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; sáp nhập một số  trường tiểu học và trung học cơ sở thành trường phổ thông có nhiều cấp học. Nhân rộng mô hình nội trú dân nuôi ở các trường phổ thông ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Tại các trường này đã xây dựng nhà ở nội trú, các công trình nhà bếp, khu vệ sinh phục vụ học sinh, gia đình học sinh nhiệt tình ủng hộ, đóng góp công lao động, vật liệu tại chỗ để xây dựng cơ sở vật chất; cung cấp gạo, thực phẩm cho học sinh ở nội trú.

Năm 2001 tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở; toàn tỉnh có 6/6 huyện, thị xã với 135/145 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở, đạt tỷ lệ 93,1%, tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt tỷ lệ 99,6%, tỷ lệ trẻ 11 đến 14 tuổi tốt nghiệp tiểu học đạt 87,5%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp tiểu học vào học lớp 6 đạt 98,1%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 99,8%, tỷ lệ người trong độ tuổi 15 - 18 có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 78,1%. Đến năm 2003 có 100% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở; qua các năm, kết quả phổ cập giáo dục trung học cơ sở được duy trì, chất lượng phổ cập được nâng lên: hằng năm, tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1đạt tỷ lệ 100%; tỷ lệ trẻ 11 đến 14 tuổi tốt nghiệp tiểu học đạt trên 95%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp tiểu học vào học lớp 6, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đạt trên 99%, tỷ lệ người trong độ tuổi 15 - 18 có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở đạt trên 85%.

3. Hoàn thành phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi

Tỉnh đã có nhiều biện pháp để duy trì sự ổn định của bậc học mầm non; thực hiện chương trình lồng ghép ở các xã, phường, thị trấn. Hệ thống trường, lớp mầm non được mở rộng tạo diều kiện cho trẻ đến trường. Tỉnh cũng chú trọng phát triển các lớp mẫu giáo 36 buổi trong hè, phát triển các nhà trẻ, nhóm trẻ gia đình; các lớp mẫu giáo dân lập. Chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ được quan tâm; các trường học thực hiện tốt công tác vệ sinh chăm sóc sức khoẻ, phòng chống suy dinh dưỡng, phòng dịch cho trẻ; các cơ sở giáo dục mầm non đã chủ động phối hợp với trung tâm y tế dự phòng, hội phụ nữ các cấp tuyên truyền phòng chống một số bệnh và dịch bệnh thường gặp; 100% trẻ đến trường được theo dõi bằng biểu đồ phát triển trẻ em, được tiêm chủng đầy đủ. Đổi mới hình thức tổ chức giáo dục trẻ 5 tuổi trên diện rộng ở tất cả các loại hình và triển khai đổi mới nội dung giáo dục trẻ từ 3 - 5 tuổi ở các trường. Đến năm học 2012-2013 toàn tỉnh đã có 147 trường, 100% số xã, phường, thị trấn có trường mầm non, các điểm trường được mở đến tận thôn, bản; đã huy động 100% số trẻ 5 tuổi đến lớp, 100% trẻ được học 2 buổi/ngày, hầu hết trẻ được ăn trưa tại trường để đảm bảo tỷ lệ chuyên cần. Năm 2013 tỉnh đã được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.  

4. Phát triển mạnh giáo dục trung học phổ thông và chuyên nghiệp

Năm 1992, Tuyên Quang có 10 trường trung học phổ thông và 7 trường cấp II - III. Tỉnh đã chỉ đạo thực hiện một số biện pháp như củng cố, phát triển hợp lý quy mô trường hiện có, tập trung chỉ đạo hoạt động của trường dân tộc nội trú và trường Chuyên, duy trì và mở rộng hệ bổ túc, thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Quy mô và chất lượng giáo dục trung học phổ thông được mở rộng và nâng lên; số học sinh tăng mạnh qua các năm. Đến tháng 8/2005, toàn tỉnh có 28 trường trung học phổ thông, đã tách 100% khối trung học cơ sở ra khỏi các trường trung học phổ thông. Từ đó đến nay, hằng năm, huy động hầu hết số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung học phổ thông hoặc bổ túc trung học phổ thông. Chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên; số học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia và học sinh trúng tuyển vào các trường đại học ngày càng tăng.

Về giáo dục chuyên nghiệp, để khắc phục tình trạng phân tán trong hệ thống trường lớp và loại hình đào tạo, tỉnh đã chủ trương quy hoạch gọn lại trường, lớp trung học chuyên nghiệp; đào tạo nghề thích hợp yêu cầu trước mắt và đáp ứng cho lâu dài . Đa dạng hoá các loại hình đào tạo, bồi dưỡng của từng trường và của các ngành  trong tỉnh. Đầu tư cơ sở vật chất, cán bộ giảng dạy. Thành lập tại tỉnh 3 trường trung học chuyên nghiệp: trường Trung học sư phạm; trường Trung cấp Y tế; trường Trung học kinh tế - kỹ thuật. Những năm gần đây, khối các trường chuyên nghiệp của tỉnh ngày càng phát triển; trường Trung cấp Nghề được nâng cấp thành trường Cao đẳng nghề; trường Cao đẳng Sư phạm được đổi tên thành trường Cao đẳng Tuyên Quang. Tháng 8/2013 trường Đại học Tân Trào được thành lập trên  cơ sở  trường Cao đẳng Tuyên Quang.

Với sự nỗ lực, cố gắng cao của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, với chủ  trương phát triển giáo dục - đào tạo là khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm để phát triển nguồn nhân lực, làm nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, đến nay, Tuyên Quang đã có  một sự nghiệp giáo dục – đào tạo khá toàn diện, bền vững. Kết thúc năm học 2018 - 2019 toàn tỉnh có 150 trường mầm non (147 trường công lập, 03 trường tư thục) với 2.172 nhóm, lớp; 59.800 trẻ mầm non; 143 trường có lớp tiểu học, với 3.150 lớp và 77.883 học sinh. Cấp THCS có 156 trường (trong đó có 21 trường liên cấp TH -THCS) với 1.375 lớp và 45.821 học sinh. Cấp THPT có 30 trường (trong đó 01 trường liên cấp THCS-THPT) với 622 lớp, 23.056 học sinh. Toàn tỉnh có 01 Trung tâm GDTX - Hướng nghiệp tỉnh và 06 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - GDTX, 141 trung tâm học tập cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân.

Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành là 12.567, trong đó, cấp học mầm non: 4.074 người, tiểu học: 4.093 người, THCS: 2.842 người, THPT: 1.558 người. Tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo chuyên môn trở lên là 100%; trong đó, trình độ trên chuẩn: mầm non 71,3%; tiểu học 74,4%; THCS 63,1%; THPT 14,0%; đội ngũ cán bộ quản lý có trình độ đào tạo chuyên môn trên chuẩn là 56,7%.

Kết quả và kinh nghiệm của nhiều năm nỗ lực, bền bỉ là động lực để ngành giáo dục của tỉnh phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm, cầu thị, quyết tâm đổi mới, hoàn thành xuất sắc các  nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo là: “Thực hiện các giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các bậc học. Chú trọng giáo dục toàn diện cho học sinh; thực hiện tốt việc đổi mới chương trình, phương pháp dạy và học. Huy động các nguồn lực xây dựng hệ thống trường, lớp học theo hướng đạt chuẩn Quốc gia. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu của thị trường lao động, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Đại học Tân Trào; củng cố, nâng cấp các trường chuyên nghiệp. Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu”.

Phạm Loan

Tin cùng chuyên mục