Hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND tỉnh là phương án tối ưu

Trên cơ sở kết quả Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ lần thứ 7 (nhiệm kỳ 2016-2021) với chủ đề: “Vai trò của HĐND trong giám sát thực thi pháp luật tại địa phương, thực trạng và giải pháp”, sau khi thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị, Ban Công tác đại biểu đã trân trọng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động của HĐND.

Theo đó, hệ thống các văn bản về hoạt động giám sát của HĐND chưa rõ các hình thức chế tài áp dụng đối với các chủ thể không thực hiện đúng các kiến nghị giám sát, làm giảm đi hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND. Do vậy, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015. Trong đó, quy định rõ các chế tài để thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị sau giám sát nhằm đạt được hiệu quả của công tác giám sát, đồng thời thể hiện rõ nét về quyền lực nhà nước của HĐND các cấp; quy định thời hiệu, thời hạn và trách nhiệm xem xét, xử lý các báo cáo giám sát của HĐND các cấp. Quy định cụ thể về phân định thẩm quyền hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban HĐND cấp tỉnh, huyện, xã, nhất là những lĩnh vực có tính chất “giao thoa” để có sự phân công rành mạch, bảo đảm không bỏ sót, không trùng lặp.

Đối với các điều kiện bảo đảm hoạt động của HĐND, về bộ máy tham mưu giúp việc, đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cân nhắc việc hợp nhất 3 Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND tỉnh. Bởi vì, quan điểm của Thường trực HĐND các tỉnh Bắc Trung bộ thống nhất cao với chủ trương hợp nhất, sáp nhập các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập để giảm đầu mối, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6. Qua thực tiễn hoạt động cho thấy, việc hợp nhất 2 Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND  tỉnh là phương án phù hợp và tối ưu hơn cả; việc hợp nhất cả 3 Văn phòng cần được cân nhắc, phân tích kỹ lưỡng cơ sở lý luận và thực tiễn, bởi vì chức năng, nhiệm vụ của các văn phòng khác nhau.

Bên cạnh đó, Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 48/2016/NĐCP ngày 27.5.2016 quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Văn phòng HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để xác định đúng vị trí, chức năng; đồng thời, có cơ cấu tổ chức hợp lý đối với cơ quan tham mưu, phục vụ các hoạt động của HĐND tỉnh.

Về mối liên hệ công tác giữa Quốc hội với HĐND, đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc nâng cấp để hình thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội có chức năng giúp Quốc hội trong việc hướng dẫn, thực hiện nhiệm vụ của cơ quan dân cử tại các địa phương; duy trì mối quan hệ công tác với HĐND trong hệ thống các cơ quan quyền lực nhà nước, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt. Qua đó, góp phần nâng cao vị thế, vai trò, chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND và mối tương quan với các cơ quan khác; đồng thời, bảo đảm thống nhất, thường xuyên và hiệu quả trong hướng dẫn, giám sát hoạt động của HĐND, cũng như lắng nghe, giải quyết những ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước.

Theo Báo điện tử ĐBND

Tin cùng chuyên mục