Hội thảo nguồn lực đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi: Thực trạng và giải pháp

Ngày 19/10/2019, Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa XIV phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Nguồn lực đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi - Thực trạng và giải pháp” tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Lao động - Thương Binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện Ban Quản trị Quốc gia UNPD Việt Nam, Hội đồng phát triển kinh tế Châu Âu - EEDC, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, các đồng chí Đại biểu Quốc hội là thành viên Ủy ban Dân tộc và đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc HĐND các tỉnh Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang…


Các đại biểu tham dự Hội thảo

Chủ trì Hội thảo, đồng chí Giàng A Chu - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khẳng định đây là một diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, lấy ý kiến tham chiếu của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế để làm rõ khả năng nguồn lực bảo đảm cho các mục tiêu của chương trình, dự án đặt ra; cơ chế, cách thức bố trí ngân sách hằng năm cho các chương trình, dự án ở khu vực này; đưa ra bức tranh tổng thể, khái quát về khả năng đáp ứng nhu cầu đầu tư cho miền núi, vùng dân tộc thiểu số trong giai đoạn tới.

Hội thảo đã nghe đại diện một số Bộ, ngành ở Trung ương, các chuyên gia, đại biểu ở địa phương báo cáo tham luận các chuyên đề: Nhu cầu về nguồn lực thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; Thực trạng và giải pháp về cơ chế phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với các chính sách cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2025; Giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số, miền núi - Mục tiêu và giải pháp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nguồn lực đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Chính sách tín dụng hỗ trợ giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số - Thực trạng và giải pháp; Các tiêu chí và phương pháp phân tích, đánh giá chính sách giảm nghèo của quốc tế, tham chiếu với Việt Nam; Sự tham gia tự nguyện của một số tổ chức phi chính phủ cho phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2025…

Các đại biểu bày tỏ sự quan tâm đối với thực trạng nguồn lực đầu tư giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2016-2018 và thảo luận về một số vấn đề: cơ cấu nguồn lực; phân bổ nguồn lực ưu tiên đầu tư vào vùng ‘‘lõi nghèo’’ dân tộc thiểu số; việc chậm giải ngân các chương trình giảm nghèo theo Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017- 2020; giải pháp cho vấn đề di cư tự do của đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi....

Qua hội thảo đã chỉ ra những yếu tố hợp lý, thuận lợi trong công tác cân đối ngân sách nhà nước cho các chính sách, chương trình, dự án đầu tư đối với miền núi, vùng dân tộc thiểu số cần tiếp tục được kế thừa, tổ chức thực hiện và chỉ ra những khó khăn, bất cập cần sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách trong thời gian tới. Đồng thời, đưa ra được những đề xuất, kiến nghị giải pháp hoàn thiện cơ chế cân đối, phân bổ nguồn lực trong giai đoạn tiếp theo đạt hiệu quả cao hơn, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của các vùng, miền và giúp các Đại biểu Quốc hội là thành viên Hội đồng Dân tộc, Đại biểu Quốc hội là người Dân tộc, Đại biểu Hội đồng Nhân dân các địa phương có thêm thông tin, kỹ năng tham gia ý kiến thẩm tra Đề án của Chính phủ.

Ngọc Trâm

Tin cùng chuyên mục