Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật

Ngày 24-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật để đánh giá tình hình trong 5 năm qua và đưa ra biện pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật trong thời gian tới.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang có các đồng chí: Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.


Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang.

Tại hội nghị, đại biểu đã được nghe báo cáo, tham luận, thảo luận của lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương về thể chế hóa các chủ trương của Đảng thành pháp luật; công tác lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và thẩm tra, chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh; cộng đồng doanh nghiệp tham gia xây dựng pháp luật…; các vấn đề, thực trạng, giải pháp trong công tác xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật và thi hành pháp luật ở các bộ, ngành, địa phương nhằm nâng cao hiệu quả công tác này.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong công tác xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, chủ động hội nhập quốc tế của đất nước. Bên cạnh đó công tác xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật vẫn còn những hạn chế cần tiếp tục cải thiện hơn nữa nhất là tính đồng bộ, thể chế về kinh tế thị trường; công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan chưa chặt chẽ, đồng bộ...

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị cần phải tiếp tục bám sát các định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật trong các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; quy định mức độ ưu tiên xây dựng hệ thống pháp luật đảm bảo thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, có sức cạnh tranh trong khu vực. Cần có sự phối hợp của các cơ quan trọng việc lấy ý kiến xây dựng, hoàn thiện pháp luật.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về tổ chức và thi hành pháp luật, hoàn thiện thể chế về tổ chức, bộ máy. Các bộ, ngành phải phối hợp chặt chẽ nâng cao hơn nữa tính dự báo, đổi mới hoàn thiện quy trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Kiên quyết chấm dứt tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết luật. Mỗi cán bộ, công chức phải giữ được liêm chính trong thi hành pháp luật…

Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục