Hoạt động cải cách tư pháp năm 2018 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Năm 2018, cấp uỷ và chính quyền các cấp trong tỉnh thường xuyên quan tâm công tác cải cách tư pháp; tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị, Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020.

Vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng trong các cơ quan tư pháp được tăng cường. Tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp được củng cố, kiện toàn, đảm bảo hoạt động có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ tư pháp, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp được nâng cao; chú trọng làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ.

 Công tác điều tra, truy tố, xét xử tiếp tục đổi mới theo tinh thần cải cách tư pháp, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Công tác thi hành án hình sự, dân sự được thực hiện kịp thời, chính xác, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Công tác bổ trợ tư pháp được quan tâm, góp phần tích cực đảm bảo cho hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng. Công tác giám sát của cơ quan dân cử đối với hoạt động tư pháp được tăng cường và từng bước phát huy hiệu quả. Công tác phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân được nâng cao, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

 Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật: Toàn tỉnh đã ban hành 52 văn bản về công tác tư pháp. Sở Tư pháp đã ban hành 1.110 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai và thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác tư pháp; tổ chức 05 hội nghị, lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về công tác tư pháp cho 960 lượt đại biểu; hoàn thành các nhiệm vụ do UBND tỉnh giao, đảm bảo tiến độ, chất lượng. Tổ chức hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2018; định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng tổ chức giao ban công tác tư pháp, nhằm kịp thời nắm bắt tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả công tác.

Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật: Trong năm đã ban hành 04 văn bản về công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Kết quả toàn tỉnh đã ban hành 21 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó: Cấp tỉnh ban hành 20 văn bản (09 Nghị quyết, 11 Quyết định); cấp huyện ban hành 01 Quyết định.

Công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính: Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan, đơn vị; sử dụng hiệu quả phần mềm quản lý văn bản, góp phần nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức. Tổ chức truyền hình trực tuyến về việc xét xử một số vụ án nghiêm trọng được dư luận đặc biệt quan tâm; thực hiện công khai bản án theo quy định...

Trong năm 2018, các ngành: Công an, Kiểm sát, Tòa án đã giải quyết các vụ án hình sự theo quy định của pháp luật, cụ thể: Đã khởi tố, điều tra 658 vụ, 1.090 bị can (giảm 40 vụ, 88 bị can so với năm 2017); kết thúc điều tra đề nghị truy tố 549 vụ/1.029 bị can; đình chỉ điều tra 180 vụ, 13 bị can. Xét xử sơ thẩm hình sự 603 vụ, 1.186 bị cáo; xét xử phúc thẩm hình sự 53 vụ, 100 bị cáo. Viện Kiểm sát nhân dân đã phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án xác định 64 vụ án điểm. Tổ chức xét xử lưu động 15 vụ án phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa tội phạm; công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong 4.250 việc, đạt 92,59% số việc có điều kiện thi hành, giảm 104 việc; số tiền đã thi hành xong 26,236 tỷ đồng đạt 44,18%, tăng 1,354 tỷ đồng so với năm 2017.

Các cơ quan tư pháp đã tập trung thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân trong lĩnh vực tư pháp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Cấp uỷ, chính quyền các cấp, lãnh đạo các cơ quan tư pháp đã thường xuyên chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ; thực hiện tốt công tác quy hoạch, luân chuyển đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp.

Ngay từ đầu năm, Hội đồng nhân dân các cấp căn cứ chương trình giám sát năm 2018 đã tổ chức triển khai nghiêm túc công tác giám sát các hoạt động tư pháp theo hướng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động bằng các hình thức giám sát đa dạng, phong phú. Nội dung giám sát chủ yếu tập trung vào hoạt động tố tụng của Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, hoạt động Hội thẩm nhân dân, hoạt động bổ trợ tư pháp, chất lượng công tác thi hành án dân sự, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực tư pháp…Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn đối với các hoạt động của các cơ quan tư pháp tại các cuộc họp thường kỳ và chuyên đề của Hội đồng nhân dân các cấp.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; vận động đoàn viên, hội viên ký cam kết không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, tham gia phát hiện những vi phạm trong hoạt động của các cơ quan tư pháp để kiến nghị khắc phục, sửa chữa.

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2019 Cấp uỷ, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả các kết luận, chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về thực hiện Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp, giai đoạn 2016-2021.Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm huy động sự tham gia tích cực của toàn xã hội trong công tác phòng, chống tội phạm. Nâng cao hơn nữa chất lượng thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp, đặc biệt là công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, bảo đảm mọi hành vi phạm tội đều được phát hiện kịp thời xử lý đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật; Thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm về thi hành án, chủ động đề ra và thực hiện tốt các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thi hành án hình sự; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tiếp tục tạo chuyển biến cơ bản, bền vững đối với nhiệm vụ thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chất vấn, trả lời chất vấn đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp tại các kỳ họp HĐND các cấp. Tăng cường sự giám sát của HĐND, đại biểu HĐND, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân các cấp đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp, nhất là giám sát chuyên đề, những vấn đề nổi cộm, bức xúc trên địa bàn, chú trọng phương thức giám sát, trách nhiệm giải trình của người có thẩm quyền, việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý điều hành và hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường triển khai thực hiện ứng dụng phần mềm quy trình xử lý văn bản tại cơ quan. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý những sai phạm trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Hoàng Linh

Tin cùng chuyên mục