Đề nghị giữ nguyên số lượng Phó Chủ tịch, Phó trưởng Ban HĐND

Theo tổng hợp ý kiến tại hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH tổ chức, một số vấn đề đặt ra đối với tổ chức và hoạt động trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương như sau:

Về việc giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện: Tại cấp tỉnh, Dự thảo đưa ra 2 phương án nhưng đều là giảm 1 Phó Chủ tịch, trừ trường hợp Chủ tịch HĐND tỉnh không là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì có hai Phó Chủ tịch HĐND. Tại cấp huyện, Dự thảo đưa ra một phương án “Thường trực HĐND huyện gồm Chủ tịch HĐND, 1 Phó Chủ tịch HĐND và các Ủy viên là Trưởng ban của HĐND huyện. Chủ tịch HĐND huyện có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; Phó Chủ tịch HĐND huyện là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách”.

Đa số ý kiến của Thường trực HĐND tỉnh tham dự Hội nghị đề nghị UBTVQH xem xét: Nếu thực hiện việc giảm 1 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện cũng chỉ giảm được 76 người (63 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh và 713 Phó Chủ tịch HĐND ở cấp huyện). Hơn nữa, trong điều kiện hiện nay (theo xu thế phân cấp cho chính quyền địa phương rất cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, phản biện, thực hành dân chủ và tự quản, tự chủ.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện nay quy định HĐND cấp tỉnh, cấp huyện có 2 Phó Chủ tịch, thực chất là một Phó Chủ tịch được nâng cấp từ “Ủy viên Thường trực” của HĐND theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, không làm tăng biên chế, những vấn đề này đã được báo cáo và được sự đồng ý của Bộ Chính trị trước khi đưa vào Luật. Thực tiễn cho thấy, qua 3 năm tổ chức thực hiện Luật, với số lượng 2 Phó Chủ tịch HĐND ở cấp tỉnh, cấp huyện là phù hợp và được kiểm nghiệm qua thực tiễn. Mặt khác, trong cơ cấu Thường trực HĐND chỉ có 2 Phó Chủ tịch hoạt động chuyên trách. Chủ tịch và Trưởng các Ban của HĐND cơ bản hoạt động kiêm nhiệm.

Vì vậy, Thường trực HĐND các tỉnh trong khu vực đề nghị giữ nguyên số Phó Chủ tịch HĐND ở cấp tỉnh, cấp huyện như Luật hiện hành. Bên cạnh đó nghiên cứu thực hiện nghiêm túc quy định “Cơ bản thực hiện Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND các cấp”, để tạo sự ổn định trong hệ thống chính trị và tăng cường chất lượng hoạt động của HĐND các cấp.

Về chức danh Phó trưởng các Ban HĐND: Dự thảo Luật đưa ra 2 phương án, nhưng đều giảm 1 Phó Trưởng ban so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành.

Đa số ý kiến của Thường trực HĐND tham dự Hội nghị cho rằng, tăng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách là biện pháp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND. Do đó, hầu hết các ý kiến đề nghị nên giữ nguyên số lượng Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách như Luật hiện hành là phù hợp.

Về việc xem xét, bổ sung quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND để đồng bộ với quy định về phạm vi, trách nhiệm giải quyết công việc của Chủ tịch UBND, nội dung này, dự thảo Luật không quy định. Đa số ý kiến cho rằng, Luật hiện hành quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch HĐND nhưng nằm rải rác ở các điều khoản khác nhau. Do vậy, cần thiết kế thêm một điều quy định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch HĐND cho tương xứng với Điều 121 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định về phạm vi, trách nhiệm giải quyết công việc của Chủ tịch UBND.

Theo báo đại biểu nhân dân

Tin cùng chuyên mục