Đẩy mạnh công tác lao động, việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động

Về công tác lao động, việc làm, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 60%, trong đó qua đào tạo nghề trên 37%; tạo việc làm cho trên 100.000 lao động. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là: “Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề găn với giải quyết việc làm tại chỗ; tập trung đào tạo các ngành nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động. Tăng cường đội ngũ giảng viên dạy nghề; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề, chú trọng đào tạo nghề đối với lao động ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa”.


Ngày hội việc làm của tỉnh đã giúp nhiều lao động nông thôn tìm được công việc phù hợp.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh, ngày 17/8/2016 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) có Kết luận số 51-KL/TU về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 13/5/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020 đặt mục tiêu  đến năm 2020 tỷ lệ lao động trong các lĩnh vực là: Nông lâm nghiệp, thủy sản dưới 53%; công nghiệp - xây dựng trên 19%; dịch vụ trên 28%. Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 09/2016/NQ-HĐND ngày 06/12/2016 về Quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao; chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đi nâng cao trình độ sau đại học giai đoạn 2017-2021. Ủy ban nhân dân tỉnh đã xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục nghề nghiệp - việc làm tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016 - 2017 (ban hành kèm theo Quyết định số 1600/QĐ-UBND ngày 07/11/2016); giao chỉ tiêu lao động, việc làm, xuất khẩu lao động đến các xã, phường, thị trấn; ban hành Quyết định số 14/2017/QĐ-UBND ngày 19/9/2017 về việc Quy định danh mục nghề đào tạo, mức chi phí đào tạo, mức hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng phát triển thị trường lao động trong và ngoài nước nhằm tạo việc làm cho người lao động. Tổ chức thực hiện nhiều chương trình, chính sách kinh tế lớn như tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển rừng, vùng cây ăn quả, cây nguyên liệu gắn với chế biến nông, lâm sản; đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; quan tâm phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút các tập đoàn kinh tế lớn như Geleximeco, ĐABACO, FLC, Woodslands... đầu tư vào tỉnh; phát triển doanh nghiệp và hợp tác xã; duy trì, mở rộng sản xuất của các cơ sở công nghiệp đã có, đưa vào vận hành một số dự án sản xuất công nghiệp mới như nhà máy thép cán, nhà máy chế biến gỗ, nhà máy sản xuất thức ăn gia súc, nhà máy may, nhà máy sản xuất bê tông thương phẩm và vật liệu xây dựng... triển khai các dự án sản xuất công nghiệp có giá trị lớn như dự án bột giấy giai đoạn 3, các nhà máy thủy điện... Phát triển mạnh giáo dục phổ thông, quan tâm giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau Trung học cơ sở, sau tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Về công tác đào tạo nghề, đã tổ chức rà soát, sắp xếp lại hệ thống mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng tinh giản đầu mối, chú trọng phát triển đào tạo chất lượng theo nhu cầu của thị trường lao động trong nước và ngoài nước; hiện nay tỉnh có 15 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 01 trường cao đẳng, 03 trường trung cấp, 09 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 02 cơ sở có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, về cơ bản đã gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo của trường Đại học Tân Trào. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trường Cao đẳng nghề - Kỹ thuật Công nghệ Tuyên Quang trở thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nhân lực có tay nghề cao của tỉnh; tập trung đào tạo nghề trọng điểm theo lộ trình  để từng bước đào tạo công nhân kỹ thuật lành nghề, có trình độ tay nghề cao. Trung tâm Giáo dục thường xuyên của tỉnh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, các trường THCS, THPT trên địa bàn dạy chương trình giáo dục thường xuyên; phối hợp với các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời tại cộng đồng. Từ năm 2016 đến nay, có hơn 200.000 lượt lao động nông thôn tham gia học tập cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ sản xuất tại các cơ sở giáo dục thường xuyên và Trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh phối với các doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài tỉnh thực hiện liên kết tuyển sinh và đào tạo gắn với việc làm. Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện: Chiêm Hóa, Yên Sơn phối hợp với Công ty Cổ phần Woodslan Tuyên Quang tổ chức triển khai thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 10 lớp, 350 học viên (sau khi hoàn thành khoá học, lao động được nhận làm việc tại Công ty, mức lương một tháng từ 4 triệu đồng đến 5 triệu). Tỉnh đã cho phép Trường Cao đẳng nghề Than - Khoáng sản Việt Nam, Trường Trung cấp Thái Nguyên, Trường Cao đẳng nghề số 1 thuộc Bộ Quốc phòng, Trường Trung cấp Cộng đồng Hà Nội, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch thuộc Bộ Công thương được thực hiện liên kết tuyển sinh và đào tạo với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh...


Lãnh đạo Hội Phụ nữ xã Thiện Kế (Sơn Dương) hướng dẫn hội viên thôn Văn Sòng trồng rau sạch. Ảnh Báo Tuyên Quang

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là người dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách, người khó khăn được quan tâm. Từ 2016 đến tháng 4/2019, đã Đào tạo nghề cho 13.229 lao động nông thôn, trong đó: Đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác: 7.576 người; đối tượng thuộc diện hộ cận nghèo: 413 người; lao động nông thôn là phụ nữ, lao động nông thôn khác: 5.240 người; tỷ lệ lao động được đào tạo nghề gắn với việc làm chiếm 68%. Với các biện pháp, giải pháp chủ yếu như trên, từ năm 2016 đến tháng 4 năm 2019 toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 78.078 người lao động; đào tạo nghề cho 31.623 lượt lao động (trình độ cao đẳng, trung cấp: 2.045 người; trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng: 29.578 người); nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 57% (tăng 8,5% so với năm 2016), trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 35% (tăng 5,3% so với năm 2016).  

Cùng với sự phát triển, chuyển dịch đúng hướng về cơ cấu kinh tế; cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ lệ lao động khu vực công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ lệ lao động khu vực nông nghiệp. Cơ cấu kinh tế và lao động năm 2018: Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng  32,29% %, cơ cấu lao động 17% (85.279 người); tỷ trọng các ngành dịch vụ 42,21%%, cơ cấu lao động 27,5% (137.931 người); tỷ trọng sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản 25,5%, cơ cấu lao động 55,5% (278.410 người).  So với năm 2016 tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng 0,04%, cơ cấu lao động tăng 3% (17.247 người); tỷ trọng các ngành dịch vụ tăng 2,1%, cơ cấu lao động tăng 0,85% (8.821 người); tỷ trọng sản xuất NLNTS giảm 2,06%, cơ cấu lao động giảm 3,75% (9.276 người). Tuy nhiên, sự chuyển dịch cơ cấu lao động, nhất là ở khu vực nông thôn còn chậm, chưa đáp ứng kịp xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Năm 2018, ở khu vực nông thôn, so với tổng số người tromng độ tuổi lao động thì số lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng chỉ chiếm 16,9%; số người thường xuyên đi lao động ngoại tỉnh chỉ chiếm 4,6%; số người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài chỉ có 0,3%). Việc đào tạo chủ yếu mới chú trọng đến tạo việc làm theo chiều rộng, chưa chú trọng đến chất lượng việc làm; số lao động có tay nghề cao còn ít; việc gắn đào tạo nghề với tạo việc làm sau đào tạo còn hạn chế. Một số chính sách hỗ trợ việc làm chưa được hướng dẫn cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp tạo việc làm cho nhiều người lao động. Nội dung đào tạo nghề chưa thực sự phù hợp thực tế địa phương, nhu cầu doanh nghiệp và lao động tại cơ sở.

Tính đến tháng 4/2019, tỷ lệ lao động nông -  lâm nghiệp -  thủy sản chiếm 54,3%, (giảm 3,75 so với năm 2016); công nghiệp - xây dựng chiếm 18,0% , tăng 2,9% so với năm 2016; dịch vụ chiếm 27,7%, (tăng 0,85% so với năm 2016); như vậy, để đạt được mục tiêu đã đề ra, từ nay đến năm 2020, còn phải tạo thêm trên 20.000 việc làm mới; giảm 1,43% số lao động trong khu vực nông nghiệp; tăng thêm ít nhất 1% số lao động khu vực công nghiệp - xây dựng; 2% số lao động qua đào tạo. Do đó, cùng với tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế, nhất là công nghiệp, dịch vụ, nâng cao chất lượng ngành nông, lâm nghiệp, đẩy mạnh thu hút đầu tư, bảo đảm tiến độ các dự án kinh tế…cần thực hiện quyết liệt hơn các giải pháp về đào tạo nghề. Các huyện, thành phố cần chú trọng triển khai hiệu quả hơn chương trình lao động, việc làm địa phương giai đoạn 2016-2020. Thực hiện tốt việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới, gắn với quá trình xây dựng đô thị nông thôn, chuyển nông thôn từ thuần nông sang công, nông nghiệp và dịch vụ. Quá trình này cần phải được tiến hành nhanh, thực chất hơn, gắn với quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Đồng thời phải tiếp tục duy trì kết quả phát triển các bậc học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các trường học, làm tốt hơn công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông. 

P.V.L

Tin cùng chuyên mục