Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho ý kiến dự thảo Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050

Chiều 27-8, BCH Đảng bộ tỉnh tổ chức Hội nghị cho ý kiến vào dự thảo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Video không hợp lệ

Dự hội nghị có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh.


Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành Công

Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Sở Kế hoạch và Đầu tư dự thảo đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025, Tuyên Quang là tỉnh phát triển đứng trong top 3 các tỉnh miền núi phía Bắc và đứng trong top 5 các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Đến năm 2030, Tuyên Quang là tỉnh phát triển khá, toàn diện, bao trùm và bền vững trong các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc.

Trong tóm tắt quy hoạch do Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày, đã nhận định tỉnh có nhiều lợi thế. Trong đó, ngành đã chỉ rõ 6 điểm mạnh về vị trí địa lý, tài nguyên và nguồn nhân lực, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhiều dự án lớn đã hoàn thành và đi vào hoạt động ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện rõ rệt. 5 điểm yếu của tỉnh cũng được chỉ rõ, như khu vực miền núi rộng, chiếm đến 2/3 diện tích; quy mô nền kinh tế còn nhỏ; kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đối ngoại, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu du lịch, hạ tầng chuyển đổi số chưa được đầu tư đồng bộ; sản xuất nông nghiệp chất lượng cao chưa phát triển mạnh và chưa gắn chặt chẽ với công nghiệp chế biến; chất lượng lao động còn thấp.

Trong thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh có nhiều cơ hội khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hệ thống thể chế, chính sách pháp luật của Nhà nước ngày càng đổi mới, hoàn thiện; nhiều dự án lớn đã hoàn thành và đi vào hoạt động ổn định; cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đi vào giai đoạn bùng nổ. Đồng thời cũng phải đối diện với 4 thách thức là bất ổn chính trị trong khu vực, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp; cạnh tranh kinh tế quốc tế ngày càng gay gắt; thách thức do phân hóa giàu nghèo, chênh lệch về phát triển giữa các vùng kinh tế; thách thức phát triển bền vững trước tác động của biến đổi thiên tai, khí hậu.

3 điểm nghẽn lớn cũng được chỉ ra, như giao thông, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối còn thiếu đồng bộ; chưa khai thác tối đa hiệu quả về tiềm năng, lợi thế cho phát triển nhanh và bền vững; chất lượng nguồn nhân lực là rào cản rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…

Dự thảo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu, định vị Tuyên Quang trở thành trung tâm, thủ phủ rừng trồng, trở thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng của vùng Trung du miền núi phía Bắc và cả nước; trở thành trung tâm du lịch lớn, một trong những địa bàn trọng điểm về du lịch của vùng Trung du miền núi phía Bắc và cả nước; là địa phương có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia về thúc đẩy giảm nghèo bền vững và thu hẹp khoảng cách giữa các nhóm dân tộc và các vùng khác nhau của đất nước.


Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành Công

Cho ý kiến vào dự thảo, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đề nghị, việc đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức, điểm nghẽn trong dự thảo quy hoạch cần phải rõ nét hơn nữa, đặc biệt là phải so sánh với lợi thế vùng, khu vực. Về kịch bản tăng trưởng, đồng chí đề nghị Ban chỉ đạo lập quy hoạch phải nhìn nhận tỉnh sẽ tập trung giải quyết các điểm nghẽn trong nhiệm kỳ này, khi Tuyên Quang còn dư địa phát triển rất lớn, chính vì vậy, kịch bản tăng trưởng cần thể hiện khát vọng mạnh mẽ hơn, đột phá hơn, nhiệm kỳ này sẽ là bước chuẩn bị cho nhiệm kỳ sau bứt phá.

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, đóng góp của các thành viên ban chỉ đạo lập quy hoạch về các giải pháp phát triển hạ tầng giao thông, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch - dịch vụ…, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm đề nghị, Sở Kế hoạch và Đầu tư giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp thu các ý kiến tham gia góp ý, vì đây là quy hoạch rất quan trọng, có tầm nhìn dài hạn, liên quan đến định hướng phát triển dài hơi của tỉnh. Tất cả các nội dung trong dự thảo quy hoạch sẽ trở thành mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch phát triển của ngành, của địa phương, của tỉnh. Các đại biểu cần rà soát các nhiệm vụ, mục tiêu, điểm mạnh, điểm yếu, tầm nhìn dài hạn để đánh giá, bứt phá trong giải quyết các công việc. Các sở, ngành địa phương phải tự “cải cách” chính mình, để làm tốt nhiệm vụ cải cách hành chính, thu hút đầu tư, cải thiện năng lực đầu tư kinh doanh… để thực hiện kịch bản tăng trưởng trong dự thảo.

Đồng chí đề nghị, các ngành, địa phương phải xem xét lại khi trong dự thảo quy hoạch cơ cấu kinh tế tăng trưởng chưa hợp lý, chậm đổi mới; phải so sánh được điểm mạnh, điểm yếu của tỉnh so với các tỉnh trong khu vực, để tỉnh có thể xác định được lợi thế cạnh tranh; cần nghiên cứu, bổ sung thêm vào định vị tỉnh, trong đó phải có giải pháp, để tỉnh có thể cân đối chi thường xuyên vào năm 2030 và sau năm 2030 sẽ phải tự lo về kinh phí. Đối với những ngành, lĩnh vực xác định tập trung ưu tiên là trụ cột trong quy hoạch, phải nghiên cứu xác định, đảm bảo tính khả thi.

Một số nội dung về trường học, bệnh viện, cụm công nghiệp, môi trường, các dự án dự kiến thu hút đầu tư, đơn vị tư vấn bổ sung, nghiên cứu xây dựng các giải pháp dựa trên lợi thế các địa phương để phù hợp với điều kiện phát triển của các địa phương.


Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành Công

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã góp ý vào dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang). Theo báo cáo của UBND tỉnh, khu đô thị nghỉ dưỡng Mỹ Lâm sẽ được đầu tư xây dựng quy mô trên 540 ha, quy mô dân số trên 25 nghìn người. Tổng vốn đầu tư dự kiến trên 18 nghìn tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2025. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, đây là dự án có ý nghĩa quan trọng, giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh hoàn thiện tờ trình trình các bộ, ngành liên quan, để đảm bảo đúng tiến độ thực hiện.

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục