Tác động của hoạt động tiếp xúc cử tri trong việc ban hành nghị quyết, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương

Hội đồng nhân dân (HĐND) là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. HĐND gồm các đại biểu HĐND, các cơ quan của HĐND. HĐND có hai chức năng quan trọng, đó là chức năng quyết định và chức năng giám sát. Cụ thể HĐND quyết định các vấn đề của địa phương theo luật định thông qua việc ban hành các nghị quyết của HĐND; giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết do mình ban hành. Nó thể hiện vai trò cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương của HĐND.

Tiếp xúc cử tri là một trong những hoạt động của đại biểu HĐND được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Đây chính là việc đại biểu HĐND thông qua các cơ quan có thẩm quyền tổ chức gặp gỡ cử tri nơi bầu ra mình để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, thu thập ý kiến chính đáng của cử tri, phản ánh tới HĐND, đồng thời báo cáo với cử tri việc thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu, của HĐND.

Giữa hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND và việc thực hiện chức năng quyết định của HĐND có mối quan hệ, tác động lẫn nhau. Trước hết, hoạt động tiếp xúc cử tri có tác động quan trọng đến việc ban hành nghị quyết, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương. Theo thông lệ tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp của HĐND hiện nay, có thể thấy tại hội nghị tiếp xúc cử tri, cử tri sẽ được trao đổi, nêu lên những tâm tư, nguyện vọng, đề xuất những vấn đề liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của tập thể, cá nhân; đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong cuộc sống nói chung của người dân, để xây dựng và phát triển địa phương v.v..Và đại biểu HĐND sẽ là người lắng nghe, cùng trao đổi về những vấn đề mà cử tri quan tâm, chia sẻ, kiến nghị; tiếp thu, phản ánh với HĐND những kiến nghị chính đáng của cử tri để trên cơ sở đó HĐND xem xét, quyết nghị, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện thực tế của địa phương. Tuy nhiên đây là sự tác động ít có sự chủ động từ phía đại biểu dân cử và cơ quan dân cử, cơ bản đề xuất về cơ chế, chính sách xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Tác động của hoạt động tiếp xúc cử tri được thể hiện rõ nét hơn, chủ động hơn từ phía đại biểu dân cử và cơ quan dân cử khi tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề để tham vấn ý kiến nhân dân về các đề án, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, việc lấy ý kiến người dân, đối tượng tác động là một trong những quy trình bắt buộc trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên hiện nay việc lấy ý kiến chủ yếu được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước, có những dự thảo văn bản số lượng truy cập thấp và hầu như không có ý kiến góp ý xây dựng. Vì vậy việc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề sẽ giúp cho quá trình tham vấn ý kiến nhân dân về các đề án, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp sâu, rộng hơn, toàn diện hơn, nhiều ý kiến tham gia hơn; giúp cho các chính sách được đề xuất sau khi được ban hành sẽ phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống. Như vậy có thể khẳng định hoạt động tiếp xúc cử tri có tác động quan trọng tới việc ban hành các nghị quyết, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương.

Bên cạnh đó, việc ban hành các nghị quyết, quyết định quan trọng của địa phương cũng có tác động trở lại đối với hoạt động tiếp xúc cử tri. Đó là khi kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của cử tri được xem xét, quyết nghị thành cơ chế, chính sách của địa phương, đi vào cuộc sống, giúp cho việc phát triển kinh tế, đời sống của cử tri nói riêng, nhân dân nói chung được thuận lợi sẽ góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương; buổi tiếp xúc cử tri sẽ trở thành diễn đàn để cử tri bày tỏ sự đồng thuận, tin tưởng vào vai trò của đại biểu HĐND, vào vai trò cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương của HĐND. Vai trò, vị trí của người đại biểu HĐND được nâng lên, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp.


Quang cảnh Hội nghị tiếp xúc cử tri tại phường Mỹ Lâm, thành phố Tuyên Quang

Tại tỉnh Tuyên Quang, việc tiếp xúc cử tri được Thường trực HĐND đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Từ đầu nhiệm kỳ 2016- 2021 đến nay (sau kỳ họp thứ 10), HĐND tỉnh khóa XVIII đã thực hiện 18 cuộc tiếp xúc cử tri tại 578 điểm. Tại các buổi tiếp xúc, cử tri đã có 2.744 kiến nghị (thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp 112 kiến nghị; lĩnh vực tài nguyên - môi trường, giao thông, xây dựng, thủy lợi và điện 2.033 kiến nghị; lĩnh vực văn hóa - xã hội 276 kiến nghị; về chế độ chính sách 261 kiến nghị; về quản lý nhà nước 62 kiến nghị). Qua giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ ba đến sau kỳ họp thứ 10 (2.290 kiến nghị) cho thấy đã có 814 kiến nghị được Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan chuyên môn tiếp thu, giải quyết xong (tỷ lệ đạt 35,5%); 992 kiến nghị đang được xem xét giải quyết (tỷ lệ đạt 43,3%); 99 kiến nghị đã có lộ trình giải quyết (tỷ lệ đạt 4,3%); 385 kiến nghị chưa thực hiện được do thiếu vốn (tỷ lệ 16,8%).


Cử tri xã Côn Lôn, huyện Na Hang phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri

Qua theo dõi cho thấy, cùng với các kiến nghị liên quan đến việc thực hiện các chính sách của trung ương, có nhiều kiến nghị của cử tri liên quan đến việc ban hành, thực hiện cơ chế, chính sách của tỉnh. Ví dụ trên cơ sở kiến nghị của cử tri về đề nghị nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố phục vụ sinh hoạt của nhân dân, hỗ trợ xi măng để làm đường đến các xứ đồng và xây dựng kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất của nhân dân; xét thấy đây là một trong những giải pháp quan trọng để góp phần nâng cao đời sống văn hóa, phát triển kinh tế của nhân dân, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo đúng chủ trương của cấp ủy tỉnh, HĐND tỉnh khóa XVIII (nhiệm kỳ 2016- 2021) đã xem xét, thông qua Nghị quyết số 03/NQ-HĐND ngày 13/7/2016 quy định mức hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương; bê tông hóa đường giao thông nội đồng; xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao, khuôn viên và một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020. Với chủ trương đúng, trúng, phù hợp với điều kiện thực tiễn, đúng với nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân trong tỉnh, toàn tỉnh đã huy động được khoảng 1.366.336,592 triệu đồng để đầu tư xây dựng 3 công trình, trong đó tổng số kinh phí Nhà nước hỗ trợ để mua cấu kiện kênh bê tông đúc sẵn, cấu kiện nhà văn hóa, xi măng, ống cống là 928.594,084 triệu đồng, chiếm 67,96%; nhân dân đóng góp bằng ngày công, vật tư, vật liệu 437.742,508 triệu đồng, chiếm 32,04% tổng nguồn vốn. Ngoài ra người dân còn tự nguyện hiến 33.249,7m2 đất tạo mặt bằng thi công xây dựng các công trình. Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành đưa vào sử dụng 944,87 km kênh bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn, nâng tổng số kênh được kiên cố hóa toàn tỉnh dự kiến đến hết năm 2020 lên 2.871,82 km, đạt 77,36%; hoàn thành đưa vào sử dụng 470,62 km đường nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, nâng tổng số đường nội đồng được bê tông hóa toàn tỉnh dự kiến đến hết năm 2020 lên 702,906 km, đạt 42,87%; đưa vào sử dụng 550 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên, nâng tổng số nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định toàn tỉnh, dự kiến đến hết năm 2020 lên 1.183 nhà, đạt 68,02%. Diện mạo nông nghiệp, nông thôn của tỉnh đã có nhiều đổi thay, đời sống của nhân dân được nâng lên.


KIến nghị về đầu tư điện lưới quốc gia của cử tri thôn Cao Đường, xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên qua tiếp xúc cử tri đã được giải quyết

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh trong những năm qua còn có những hạn chế. Hình thức tổ chức tiếp xúc cử tri chưa phong phú, đa dạng, chủ yếu chỉ mới tổ chức tiếp xúc cử tri định kỳ theo tổ đại biểu trước và sau kỳ họp; tham dự các cuộc tiếp xúc cử tri chủ yếu là ”đại cử tri” (cán bộ, công chức cấp xã, lãnh đạo trường học, trạm y tế), phần lớn các kiến nghị của cử tri tập trung vào các vấn đề cụ thể của địa phương, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức; số ít cử tri còn lại là những người đang có vướng mắc chưa được giải quyết hoặc đã giải quyết nhưng chưa thỏa mãn... số ý kiến tham gia vào nội dung, chương trình kỳ họp còn ít. Việc tổ chức tiếp xúc chuyên đề trước kỳ họp để cử tri tham gia vào các đề án, dự thảo nghị quyết về cơ chế, chính sách của tỉnh rất hạn chế. Kỹ năng tiếp xúc, đối thoại với cử tri của một số đại biểu HĐND còn hạn chế, đa số là tiếp thu, ít nghiên cứu làm rõ tại chỗ nội dung kiến nghị của cử tri. Chất lượng giải quyết một số kiến nghị cử tri của Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan liên quan chưa cao, thiếu kịp thời.

Để phát huy vai trò của hoạt động tiếp xúc cử tri, phát huy được mối quan hệ, tác động qua lại giữa hoạt động tiếp xúc cử tri với việc ban hành nghị quyết, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, thực hiện tốt chức năng quyết định của HĐND, cần lưu ý một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần đa dạng các hình thức tiếp xúc cử tri. Cùng với tiếp xúc cử tri theo tổ đại biểu trước và sau kỳ họp, cần tăng số cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề để tham vấn ý kiến của cử tri đối với các đề án, dự thảo nghị quyết có tính quyết sách quan trọng của HĐND trước kỳ họp. Ngoài việc tiếp xúc cử tri theo kế hoạch của HĐND, đại biểu cần chủ động tiếp xúc với cử tri bằng các hình thức khác theo hướng đối thoại trực tiếp để trưng cầu thêm ý kiến của cử tri đối với vấn đề cần tham vấn.

Thứ hai, nâng cao vai trò, trách nhiệm, năng lực của đại biểu HĐND trong tiếp xúc cử tri. Người đại biểu HĐND cần dành thời gian nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến nội dung sẽ quyết nghị tại kỳ họp, về tình hình phát triển kinh tế- xã hội của cả nước, của tỉnh, địa phương nơi sẽ tiếp xúc cử tri, mong muốn, tâm tư nguyện vọng của cử tri nơi mình ứng cử, tiếp xúc; từ đó chuẩn bị vốn kiến thức, kỹ năng để lắng nghe, chia sẻ, trao đổi, phản ánh những tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của cử tri; biến những mong muốn, đề xuất, kiến nghị chính đáng, phù hợp đó thành quyết sách của HĐND, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh trên địa bàn.

Thứ ba, nâng cao chất lượng công tác tổng hợp, giải quyết kiến nghị của cử tri. Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan, tổ chức có liên quan cần thực hiện nghiêm túc việc tiếp thu, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri; đảm bảo đầy đủ nội dung, thời gian theo quy định. Tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

Thanh Lê

Tin cùng chuyên mục