Đoàn ĐBQH tỉnh lấy ý kiến góp ý xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án

Ngày 16-10, tại TAND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến vào dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. Đồng chí Ma Thị Thúy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Các đại biểu đã tham gia góp ý vào một số nội dung trong dự án luật như: Kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại ở tòa án; việc phân công thẩm phán làm công tác hòa giải, đối thoại theo hướng dẫn của Tòa án Nhân dân tối cao; xem xét, thụ lý vụ việc ngay sau khi hòa giải, đối thoại không thành theo quy định của pháp luật tố tụng; tiêu chuẩn của hòa giải viên; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm hòa giải viên tại TAND nơi họ có nguyện vọng làm việc; trình tự phân công, xử lý đơn kiện, đơn yêu cầu tại tòa án; quy định cụ thể với từng lĩnh vực tố tụng trong thời hạn hòa giải, đối thoại; trình tự thủ tục phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải; vấn đề hòa giải, đối thoại không thành, không tiến hành hòa giải, đối thoại được hoặc không được hòa giải…

Một số đại biểu băn khoăn việc phân công hòa giải viên cần phải giao cho tòa án chứ không phải giao cho thẩm phán theo quy định của dự án luật. Trình tự phân công hòa giải viên cũng cần có những điều chỉnh cho phù hợp hơn. Bên cạnh đó, việc quy định tiêu chuẩn của hòa giải viên không thuộc biên chế của tòa án sẽ nảy sinh nhiều vấn đề trong công tác quản lý, theo dõi hoạt động của các hòa giải viên. Ngoài ra, quy định hòa giải viên không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của tài liệu, chứng cứ do các bên tham gia hòa giải, đối thoại cung cấp sẽ gây ra những vấn đề bất cập. Trong dự án luật chưa có quy định mức kinh phí cho đối tượng hòa giải viên được hưởng trong mỗi vụ việc...

Đồng chí Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Ma Thị Thúy đánh giá cao các ý kiến góp ý của các đại biểu. Các ý kiến góp ý sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu, ghi nhận và tổng hợp báo cáo, trình Quốc hội tại kỳ họp tới.

Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục