Kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về văn hóa - xã hội và chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non giai đoạn 2014-2019 tại huyện Lâm Bình

Trong tháng 11/2019, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết của HĐND tỉnh thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội và chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non giai đoạn 2014-2019 tại huyện Lâm Bình.

Qua giám sát cho thấy, mặc dù là huyện nghèo, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khó khăn nhất tỉnh nhưng tại thời điểm giám sát, cơ bản các chỉ tiêu thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt kế hoạch đề ra. Số người dân tham gia BHYT, BHXH tự nguyện vượt chỉ tiêu được giao (tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt trên 99%; tham gia BHXH tự nguyện có 312 người/chỉ tiêu giao 196 người). Các chế, độ, chính sách đối với người nghèo, gia đình chính sách được thực hiện theo quy định.


Hoạt động vui chơi của học sinh trường mầm non Khuôn Hà (Lâm Bình)

Để đảm bảo thuận lợi cho việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí giáo viên, chăm sóc, giáo dục trẻ, huyện đã dồn ghép 13 điểm trường mầm non tại 7 xã (Khuôn Hà 03 điểm, Xuân Lập 01 điểm, Thổ Bình 01 điểm, Lăng Can 02 điểm, Phúc Yên 02 điểm, Bình An 01 điểm, Thổ Bình 03 điểm). Việc huy động trẻ đi nhà trẻ được cả hệ thống chính trị từ huyện tới cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, hưởng ứng thực hiện. Tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ ngày càng tăng, tại thời điểm giám sát đạt 29,7%, vượt chỉ tiêu UBND tỉnh giao (17%); đặc biệt huyện đã tổ chức được 2 nhóm trẻ độc lập tư thục với 32 trẻ. 100% các xã duy trì kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, tỷ lệ trẻ học 2 buổi/ngày đạt 100%. 100% giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo, trong đó trên chuẩn đạt 92,5%. Các chế độ chính sách của giáo viên và học sinh được quan tâm thực hiện theo quy định. Qua giám sát cho thấy tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang mặc dù thiếu nhà lớp học nhưng phụ huynh đã làm phòng học tạm để tổ chức nhóm trẻ, huy động thêm 10 cháu đi nhà trẻ; tại xã Xuân Lập giáo viên trường mầm non đã trích tiền lương nộp tiền học phí cho 07 trẻ gia đình khó khăn được ra nhóm trẻ.

Bên cạnh kết quả đạt được, lĩnh vực văn hóa - xã hội nói chung cũng như giáo dục mầm non trên địa bàn huyện nói riêng còn có những khó khăn, hạn chế. Chất lượng giáo dục tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn, nhất là giáo dục mũi nhọn chưa được nâng lên. Cơ sở vật chất trường học thiếu, xuống cấp, hiện các trường học đang sử dụng 19 phòng học tạm, thiếu 47 nhà vệ sinh cho học sinh, giáo viên. Số trẻ em dưới 01 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vacxin theo quy định thấp (50%/95% kế hoạch). Chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh cao (114 trẻ trai/100 trẻ gái). Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi cao (23,7%). Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn xảy ra, từ đầu năm đến thời điểm được giám sát trên địa bàn huyện có 15 cặp vợ chồng tảo hôn, 01 cặp vợ chồng cận huyết thống. Toàn huyện còn 29,3% hộ gia đình chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh, 29,4% hộ gia đình chưa có hố xử lý rác thải hợp vệ sinh, 30,5% hộ gia đình chưa có nhà tắm hợp vệ sinh. Tình trạng tổ chức đám tang với nhiều chi phí, kéo dài ngày vẫn còn diễn ra gây lãng phí. Trên địa bàn huyện xảy ra 20 vụ đánh bạc với 109 đối tượng bị xử lý (khởi tố 05 vụ/08 bị can; xử lý hành chính 15 vụ/97 đối tượng) và 01 vụ vi phạm về ma túy. Tỷ lệ hộ nghèo cao, việc thực hiện các giải pháp giảm nghèo (như cách thức tổ chức cuộc sống, sản xuất; sử dụng vốn vay từ ngân hàng để phát triển kinh tế...) còn lúng túng, chất lượng giảm nghèo chưa bền vững. Toàn huyện còn 761 hộ gia đình ở nhà tạm chưa được sửa chữa. Số lao động đi làm việc ngoài tỉnh đông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nhưng dễ dẫn đến hệ lụy sau này do nhiều gia đình cả bố mẹ đều đi lao động ngoài tỉnh, rất ít về, không có điều kiện chăm sóc con hằng ngày. Trên địa bàn huyện còn 23 đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN với tổng số tiền 276,2 triệu đồng.


Hoạt động giáo dục tại nhóm trẻ độc lập tư thục Hoa Mai, xã Lăng Can (Lâm Bình)

Trong thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non: Tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ vượt kế hoạch UBND tỉnh giao nhưng vẫn thấp hơn mức bình quân chung toàn tỉnh. Còn 23,3% trẻ mầm non chưa được ăn bán trú tại trường; 17,7% (74/418) trẻ bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, 19,6% (82/417) trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi. Từ năm 2014-2019 còn xảy ra 02 vụ việc (01 cán bộ quản lý trường học, 01 giáo viên) vi phạm về quản lý tài chính và đạo đức nhà giáo phải kỷ luật. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi phục vụ cho công tác chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non thiếu, xuống cấp.

Trên cơ sở kết quả giám sát, Đoàn giám sát đã đề nghị UBND huyện Lâm Bình tập trung chỉ đạo thực hiện hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 73-NQ/TU ngày 20/12/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về huy động trẻ đi nhà trẻ và Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 01/8/2019 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách khuyến khích phát triển mầm non ngoài công lập; nâng tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đi nhà trẻ ở cả hai loại hình công lập và ngoài công lập. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn trong việc tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ, tăng tỷ lệ trẻ ăn trưa tại trường, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng. Bố trí ngân sách và huy động xã hội hóa giáo dục để xây dựng, tu sửa phòng lớp học, nhà bếp, mua sắm bổ sung trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi cho bậc học mầm non. Đồng thời có giải pháp để nâng chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn; rà soát, sáp nhập trường tiểu học và THCS tại một số nơi phù hợp theo hướng trường bán trú liên cấp gắn với việc đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, trang cấp trang thiết bị, đồ dùng dạy học; tổ chức tốt hoạt động bán trú cho học sinh. Có giải pháp vận động phụ huynh và huy động sự giúp đỡ của cộng đồng để tổ chức ăn, ngủ buổi trưa cho học sinh tiểu học tại trường trong các ngày học 2 buổi/ngày, chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình thay sách giáo khoa trong các năm học tới. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân ăn ở hợp vệ sinh, giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng dịch bệnh, không vi phạm tệ nạn xã hội, nhất là việc đánh bạc, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng ma túy; không kết hôn khi chưa đủ tuổi theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, thực hiện tiết kiệm trong việc tổ chức đám cưới, đám tang; chấm dứt tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Rà soát, có giải pháp cụ thể để người dân có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập ngay trên địa bàn huyện; thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, nâng chất lượng giảm nghèo theo hướng bền vững. Có kế hoạch, lộ trình để các hộ gia đình đang ở nhà tạm, dột nát làm mới hoặc sửa chữa nhà ở, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Có giải pháp cụ thể để các doanh nghiệp trên địa bàn thanh toán tiền BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp theo đúng quy định.

Ban Văn hóa - Xã hội
Hội đồng nhân dân tỉnh

Tin cùng chuyên mục