Hoạt động thẩm tra - Sự hội tụ của trách nhiệm, trí tuệ, năng lực và bản lĩnh

Trong hoạt động của các cơ quan thuộc hệ thống chính quyền địa phương, thẩm tra là chức năng riêng có, hoạt động đặc thù của các ban Hội đồng nhân dân, được quy định cụ thể, chặt chẽ trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Theo đó các Ban Hội đồng nhân dân có trách nhiệm và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thẩm tra các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết do UBND cùng cấp, các cơ quan tư pháp cùng cấp trình Hội đồng nhân dân. Công tác  thẩm tra vừa là hoạt động giám sát, đồng thời vừa là hoạt động tham gia góp phần thực hiện vai trò quyết định của Hội đồng nhân dân. Do vậy, hoạt động thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân có tác động rất lớn đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân, nhất là trong thực hiện chức năng giám sát và quyết định.


Ban Kinh tế - Ngân sách tổ chức Hội nghị thẩm tra các dự thảo báo cáo, nghị quyết trình tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh.

Từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, qua 8 kỳ họp thường lệ, 1 kỳ họp chuyên đề và 1 kỳ họp bất thường, các Ban HĐND tỉnh đã thực hiện thẩm tra 90 báo cáo, 147 dự thảo nghị quyết trình kỳ họp HĐND tỉnh, chưa kể mỗi năm tiến hành thẩm tra, đề xuất đối với  hàng chục văn bản do UBND tỉnh xin ý kiến Thường trực HĐND tỉnh để giải quyết các nhiệm vụ phát sinh giữa 2 kỳ họp. Với một khối lượng công việc lớn như vậy, để bảo đảm thẩm tra chính xác, thuyết phục đòi hỏi người chủ trì và các thành phần tham gia thẩm tra phải có trình độ chuyên môn vững, năng lực thực tiễn cao, có kinh nghiệm và bản lĩnh, đặc biệt là phải tâm huyết, trách nhiệm với chức năng, nhiệm vụ của mình.

Giải quyết đòi hỏi này, cơ cấu các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh đã được chú ý bảo đảm số lượng  đại biểu chuyên trách ít nhất là 2, trong đó có Trưởng ban; các thành viên kiêm nhiệm được cơ cấu gồm hầu hết là các đại biểu lãnh đạo chủ chốt cấp huyện, các ngành của tỉnh, một số ít là lãnh đạo cơ sở nhưng có trình độ và kinh nghiệm công tác chuyên ngành thuộc lĩnh vực phụ trách của ban.  Cùng với việc tuân thủ đúng quy định của pháp luật về thẩm quyền và quy trình, thủ tục  thẩm tra, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh đã tiến hành nhiều hoạt động nghiệp vụ và bổ trợ khác nhau như tiến hành các cuộc khảo sát, giám sát chuyên ngành; tổng hợp, phân tích thông tin, tài liệu liên quan; nghiên cứu các kiến nghị, đề nghị, phản ánh của cử tri và cơ sở; tham khảo ý kiến các chuyên gia khi cần thiết… Tất cả những tư liệu thu thập được trong các hoạt động này đều là nguồn thông tin quan trọng để các Ban sử dụng vào quá trình thẩm tra và nếu không có nó, kết quả thẩm tra sẽ không bảo đảm yêu cầu đặt ra. Tại các  cuộc thẩm tra, từ  chất  liệu phong phú đã thu thập được, thành viên các  Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh đã bản lĩnh, thẳng thắn tranh luận, trao đổi, nhiều vấn đề được lật đi, lật lại, xem xét một cách thấu đáo về căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn và khả năng thực thi, nhiều vấn đề chưa rõ được làm sáng tỏ ngay tại hội nghị thẩm tra.…để các cơ quan trình tiếp thu để hoàn thiện các dự thảo báo cáo, đề án, nghị quyết. Với các báo cáo, sẽ được toàn diện, khách quan, chính xác về nhận định, đánh giá kết quả đạt được cũng như phương hướng nhiệm vụ tiếp theo. Với các dự thảo nghị quyết được bảo đảm về quy trình, thủ tục, đúng thẩm quyền, phù hợp Hiến pháp và pháp luật, khả thi về nguồn lực, biện pháp thực hiện, phù hợp với thực tiễn và nguyện vọng chính đáng của nhân dân để đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả ngay sau khi được ban hành.  Báo cáo thẩm tra của các Ban trình tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh là một nguồn thông tin có cơ sở pháp lý và thực tiễn cao để đại biểu thảo luận, thực hiện việc giám sát, xem xét đối với các báo cáo do Ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành trình; quyết định thông qua các dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp.

Có thể nói, sự đồng thuận cao của đại biểu trong việc thông qua các báo cáo và dự thảo nghị quyết trình các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh thời gian vừa qua là một sự kết hợp nhuần nhuyễn, chặt chẽ giữa năng lực, trách nhiệm cá nhân của  đại biểu với kết quả hoạt động thẩm tra của các ban Hội đồng nhân dân tỉnh. Thực tiễn cho thấy, hoạt động thẩm tra của các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh đã và đang thực sự hội tụ những yếu tố rất quan trọng cần có của mỗi đại biểu hội đồng nhân dân nói chung và mỗi thành viên của các Ban Hội đồng nhân dân nói riêng, đó là: Trách nhiệm, Trí tuệ, Năng lực và Bản lĩnh.

Phạm Loan

Tin cùng chuyên mục