Giám sát thực chất, đáp ứng nguyện vọng của cử tri

Hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 tiếp tục được đổi mới, đi vào những vấn đề cụ thể, những bức xúc trong đời sống xã hội. Qua đó giúp chính quyền các cấp kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, đồng thời đưa ra những kiến nghị Trung ương đối với những chính sách, pháp luật phù hợp hơn với thực tiễn.

Đồng chí Ma Thị Thúy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh cho biết: Xác định công tác giám sát là một trong những nội dung rất quan trọng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, hàng năm, việc xây dựng chương trình giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh luôn bám sát vào Nghị quyết về chương trình giám sát hàng năm của Quốc hội và tình hình thực tế của tỉnh. Chương trình giám sát tập trung vào những vấn đề  bức xúc của đời sống kinh tế-xã hội.

Công tác tổ chức giám sát được thực hiện đúng theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội. Đồng thời, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phối hợp chặt chẽ và phân công đại biểu Quốc hội tham gia nhiều Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tại tỉnh, góp phần làm cho hoạt động giám sát đạt kết quả tốt cả hai phương diện, đó là vừa phối hợp chặt chẽ với hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội vừa giúp Đoàn ĐBQH tỉnh nắm chắc thêm tình hình, hạn chế tình trạng giám sát chồng chéo.


ĐBQH tỉnh giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về giao thông đường bộ.

Đơn cử như cuộc giám sát về thực hiện chính sách, pháp luật về Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi cho thấy thu nhập bình quân đầu người của đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao hơn, chất lượng giảm nghèo chưa thật sự bền vững, hộ nghèo dần dần chỉ còn là hộ người dân tộc thiểu số... Bên cạnh đó, người dân tộc thiểu số chủ yếu lao động giản đơn trong sản xuất nông nghiệp, nên trực tiếp  bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và diễn biến dịch bệnh xảy ra ngày càng phức tạp; vị trí địa lý đặc thù tạo ra thuận lợi, song cũng đặt ra những khó khăn giữa phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh... Thực tiễn của tỉnh được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp và có nhiều kiến nghị để Quốc hội, Chính phủ xem xét, tiếp thu và xây dựng Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030.

Đồng chí Đinh Công Thơ, Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên chia sẻ, tiếp thu những ý kiến góp ý của đoàn giám sát Đoàn ĐBQH tỉnh về thực hiện chương trình giảm nghèo huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cùng các địa phương tăng cường tuyên truyền, chủ động rà soát, xác định nguyên nhân nghèo của các hộ nghèo để có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ cụ thể. Nhờ đó, huyện đã đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 3% đến 4%/ năm.

Theo thống kê, trong nhiệm kỳ, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức được 18 cuộc giám sát chuyên đề tại tỉnh. Sau các cuộc giám sát có 116 ý kiến với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương; 92 ý kiến với UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương. Qua rà soát đến nay, đối với các kiến nghị đối với Trung ương đã có trên 85% các ý kiến được các cơ quan xem xét, nghiên cứu, trả lời và 100% các kiến nghị đối với UBND tỉnh và các sở, ngành trên địa bàn tỉnh được xem xét, trả lời.

Đặc biệt, thực hiện quyền giám sát tối cao tại diễn đàn Quốc hội, các đại biểu trong Đoàn tích cực nghiên cứu, thu thập thông tin tham gia phát biểu chất vấn tại hội trường, chất vấn trực tuyến tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; một số đại biểu gửi phiếu chất vấn đến các Bộ trưởng, thành viên của Chính phủ để chất vấn những vấn đề mà đại biểu, cử tri quan tâm.

Những kết quả đạt được trong công tác giám sát, khảo sát của Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XIV đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trên nhiều lĩnh vực, thể hiện được vai trò là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, thực sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, giữa Quốc hội và cử tri.

Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục