Giám sát những vấn đề nhân dân quan tâm

Phát huy vai trò nòng cốt trong công tác giám sát, phản biện xã hội, thời gian qua, Ủy ban MTTQ tỉnh đã lựa chọn những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân để xây dựng kế hoạch, nội dung chương trình giám sát. Qua đó, phát huy tốt quyền làm chủ của người dân, góp phần xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Thực hiện Quyết định số 217 và Quyết định số 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, năm 2017, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ trì 2 cuộc giám sát và tham gia với các đoàn thể chính trị - xã hội cùng các cơ quan chuyên môn thực hiện 3 cuộc giám sát về các vấn đề: Thu và sử dụng các nguồn quỹ, các khoản đóng góp; việc dạy thêm, học thêm; giám sát việc giải quyết tố cáo; việc thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT; thực hiện Chương trình phát triển thanh niên năm 2016; phối hợp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù. 


Đoàn giám sát Ủy ban MTTQ tỉnh giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo tại Phòng Giáo dục đào tạo huyện Chiêm Hóa.

Qua giám sát, nhiều bất cập đã được chỉ rõ để các cơ quan đơn vị có các giải pháp khắc phục. Đơn cử như giám sát việc thực hiện pháp luật về BHXH, đoàn giám sát đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: Một số đơn vị chưa thực hiện đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BHTN kịp thời cho người lao động thuộc đối tượng bắt buộc theo đúng quy định; chưa thực hiện đúng quy định về thời gian đóng BHXH, BHYT, BHTN; chưa chủ động trong việc thanh toán chế độ trợ cấp BHXH cho người lao động khi có phát sinh theo đúng quy định; đặc biệt có đơn vị còn nợ đọng với số tiền lớn, kéo dài làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. 

Ngoài ra, việc bố trí người làm công tác BHXH tại một số đơn vị chưa đảm bảo sự ổn định, không có sự tiếp cận, kế thừa khi có sự thay đổi dẫn đến không nắm chắc các quy định, lúng túng, sai sót trong việc thực hiện. Một số đơn vị chưa thực hiện nghiêm các quy định của Luật Công đoàn, đặc biệt là về nghĩa vụ nộp kinh phí công đoàn.

Giám sát việc thực hiện Chương trình phát triển thanh niên năm 2016 cũng cho thấy còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Việc xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện chương trình của một số cơ quan, đơn vị còn chậm. Công tác phối hợp giữa UBND và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện chương trình của một số xã chưa đồng bộ, chưa thực sự hiệu quả, còn mang tính hình thức. Công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, tạo việc làm nhằm nâng cao nhận thức cho người lao động ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở một số cơ sở còn chưa hiệu quả. Việc định hướng về nghề nghiệp việc làm cho thanh niên tại các trường THCS, THPT của một số đơn vị chưa được thực hiện thường xuyên. Hiện nay, còn một số lượng lớn lao động đã qua đào tạo chưa tìm được việc làm phù hợp với ngành, nghề đào tạo…

Theo Ủy ban MTTQ tỉnh, sau các cuộc giám sát, đoàn giám sát đều kiến nghị, góp ý đối với cấp ủy, chính quyền và các đơn vị được giám sát kịp thời có kế hoạch, biện pháp khắc phục những hạn chế. Cụ thể như đối với việc nợ đọng bảo hiểm xã hội, ngành Lao động thương binh và xã hội, BHXH tỉnh, chính quyền các địa phương đã chủ động thanh tra, kiểm tra, tìm các giải pháp tháo gỡ trong việc nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định. BHXH đã đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BH tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; đồng thời có các chế tài xử lý hành vi nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN, góp phần từng bước chấn chỉnh tình trạng này. Hay như việc thu và sử dụng các nguồn quỹ, các khoản đóng góp tại các trường học, khắc phục những hạn chế sau giám sát, các trường học có vi phạm kiểm điểm trách nhiệm và chuyển trả số tiền 28.259.000 đồng về đúng nguồn thu để quản lý, sử dụng cho năm học 2017-2018. Đến nay các trường có vi phạm đã tiến hành kiểm điểm và thu hồi đủ số tiền trả về đúng nguồn thu…

Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục