Đưa công tác giám sát, phản biện xã hội vào chiều sâu

Sau 5 năm thực hiện Quyết định số 217, 218-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị về ban hành quy chế giám sát và phản biện góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cấp, các ngành của tỉnh đã triển khai khá đồng bộ, tích cực, từng bước đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả.

Ủy ban MTTQ tỉnh giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo tại huyện Chiêm Hóa.

Thông qua các cuộc giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ năm 2014 đến nay đã phát hiện nhiều tồn tại hạn chế như: Việc thu, chi các nguồn quỹ, khoản đóng góp của một số đơn vị trường học còn có những mục không đúng quy định; việc thực hiện các quy định về trình tự thủ tục, hình thức xử phạt, thẩm quyền, thời hiệu áp dụng xử phạt, nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính tại một số đơn vị chưa đảm bảo; việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo đối với một số vụ việc cụ thể ở một số địa phương, đơn vị không đúng quy trình, những nội dung khiếu nại, tố cáo không được xác minh, làm rõ dẫn đến tồn đọng, kéo dài gây bức xúc trong nhân dân; một số đơn vị không thực hiện các quy định của pháp luật về công khai kết luận thanh tra…

Đơn cử như trong cuộc giám sát việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, MTTQ tỉnh và các cơ quan liên quan đã thực hiện giám sát tại 10 địa phương, đơn vị trong tỉnh. Qua giám sát cho thấy, một số đơn vị được giám sát chưa thực hiện hết trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Trong quá trình thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính, không lập hồ sơ xác minh, xác định các đối tượng gia đình khó khăn, hộ nghèo, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa không có điều kiện thi hành để làm căn cứ xét hoãn, giảm, miễn chấp hành quyết định xử phạt dẫn đến việc thực hiện quyết định kéo dài, tồn đọng.

Việc thực hiện các quy định về trình tự, thủ tục, thời hiệu, áp dụng căn cứ xử phạt, nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính của một số đơn vị được giám sát chưa đảm bảo theo quy định. Một số đơn vị chưa thực hiện đôn đốc việc thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính và việc khắc phục hậu quả chưa kịp thời; một số hồ sơ xử phạt không thể hiện đầy đủ các thông tin... Ngay sau khi có kiến nghị của đoàn giám sát, các địa phương, đơn vị đã chủ động triển khai các biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế và báo cáo kết quả về Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh.

Sau giám sát, trong 5 năm qua, MTTQ tỉnh đã gửi đến chính quyền các cấp và các ngành chức năng liên quan 73 đề nghị, kiến nghị về việc sửa chữa, khắc phục những tồn tại, hạn chế. Đồng thời, có những kiến nghị sửa đổi bổ sung đối với một số quy định cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động giám sát đã yêu cầu thu hồi, chuyển trả gần 90 triệu đồng thu, chi chưa đúng quy định tại một số đơn vị trường học. MTTQ cấp huyện, cấp xã cũng thường xuyên đôn đốc, theo dõi, giám sát việc tiếp thu, trả lời các kiến nghị của chính quyền cùng cấp, phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân thông qua MTTQ để tham gia đóng góp ý kiến cho những tồn tại, hạn chế trong hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Hoạt động phản biện của MTTQ các cấp trong tỉnh đã được quan tâm và triển khai hiệu quả. Từ năm 2014 đến nay, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã tham gia góp ý, phản biện trên 100 văn bản quy phạm pháp luật; cấp xã tham gia góp ý, phản biện 930 dự thảo văn bản. Ngoài ra hoạt động phản biện xã hội thông qua góp ý kiến tại cuộc họp, sơ kết, tổng kết, các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; thông qua tổ chức hội nghị. Nổi bật như năm 2017, Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì, phản biện nội dung dự thảo Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân tỉnh.

Năm 2018 phản biện dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định mức chi hỗ trợ đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư thực hiện Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh... Sau khi nghiên cứu, lấy ý kiến tham gia góp ý, phản biện của các thành viên trong Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, Tổ tư vấn, Ủy ban MTTQ các cấp đã tổng hợp và gửi văn bản góp ý phản biện cho các cơ quan soạn thảo tổng hợp, đảm bảo các dự thảo văn bản về chủ trương, chính sách, quy định, đề án… của địa phương khi ban hành thực sự có hiệu quả, đi vào cuộc sống.

Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 217 và 218 của Bộ Chính trị, thời gian tới MTTQ các cấp tiếp tục lựa chọn những nội dung phù hợp, thiết thực, lựa chọn nội dung giám sát, phản biện thiết thực với đời sống nhân dân để tập trung triển khai. Trong quá trình thực hiện, nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội để nắm bắt và phản ánh đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kịp thời giải quyết ngay từ cơ sở, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nhân dân.

Theo báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục