Ban Pháp chế HĐND tỉnh hoàn thành giám sát chuyên đề việc chấp hành pháp luật về giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và giải quyết các vụ án hình sự tạm đình chỉ điều tra trên địa bàn tỉnh

Thực hiện Chương trình giám sát năm 2020 của Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã thực hiện giám sát chuyên đề việc chấp hành pháp luật về giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và giải quyết các vụ án hình sự tạm đình chỉ điều tra từ 01/01/2018 đến 30/6/2020 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Đồng chí Ma Việt Dũng, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh phát biểu kết luận tại Viện Kiểm sát thành phố Tuyên Quang

Trong những năm qua, kinh tế - xã hội của tỉnh đã có những bước phát triển tích cực, đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh từng bước được cải thiện và nâng cao. Tuy nhiên, do đặc thù là tỉnh miền núi, điều kiện giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, kinh tế phát triển không đồng đều; nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Phần nào, tác động trực tiếp đến công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Qua giám sát cho thấy, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị thực thi pháp luật về giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và giải quyết các vụ án hình sự tạm đình chỉ trên địa bàn tỉnh đã thường xuyên quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm các quy định pháp luật trong tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác, tội phạm, kiến nghị khởi tố. Qua đó, nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp, đặc biệt vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện giải quyết nguồn tin về tội phạm trên địa bàn tỉnh được nâng lên.

Từ ngày 01/01/2018 đến 30/6/2020, các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đã thụ lý 2.600 tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố, trong đó: Quyết định khởi tố vụ án hình sự 1.096 vụ án; Quyết định không khởi tố vụ án hình sự: 1.190 vụ việc; Chuyển vụ việc giải quyết theo thẩm quyền: 71 vụ việc; Tạm đình chỉ: 133 vụ việc; Đang giải quyết: 110 vụ việc. Quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm thực hiện cơ bản đảm bảo các quy định pháp luật, kịp thời phát hiện hành vi phạm tội, xác định dấu hiệu tội phạm để xem xét, quyết định việc khởi tố vụ án hình sự, nhằm chống bỏ lọt tội phạm, chống làm oan người không phạm tội.

Lực lượng Công an và Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã chủ động, tích cực tham mưu, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến đối tượng là người dưới 18 tuổi với các vi phạm điển hình như cố ý gây thương tích, xâm hại tình dục, vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, vi phạm các quy định về bảo vệ rừng…góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức của nhân dân trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Công tác quản lý nhà nước được tăng cường trên các lĩnh vực, nhất là trong công tác quản lý cư trú, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành có những chuyển biến tích cực, chủ động nắm chắc tình hình, triển khai đồng bộ, có hiệu quả biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ gắn với phòng ngừa xã hội, thực hiện có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, góp phần kiềm chế được sự gia tăng của loại tội phạm, vi phạm pháp luật khác và không để phát sinh tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định, lành mạnh phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện các quy định pháp luật trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm có lúc, có nơi còn có hạn chế. Việc thực hiện các quy định về giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và chuyển nguồn tin của Công an xã có lúc, có việc còn hạn chế; có vụ việc tố giác, tin báo về tội phạm còn vi phạm thời hạn trong giải quyết theo quy định pháp luật; quá trình tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm của cơ quan tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ còn lúng túng. Quá trình giải quyết nguồn tin việc thu thập, thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức có liên quan để kiểm tra, xác minh, nguồn tin; khám nghiệm hiện trường; khám nghiệm tử thi; trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản... có việc còn thiếu sót; việc thu thập dấu vết, chứng cứ tội phạm có lúc, có việc chưa kịp thời, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết vụ án..

Qua giám sát, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã đề xuất, kiến nghị với UBND tỉnh và các cơ quan có liên quan tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến nhân dân nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành pháp luật tại địa phương, kịp thời đấu tranh ngăn ngừa, phòng chống tội phạm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố và giải quyết các vụ án hình sự tạm đình chỉ điều tra, đảm bảo mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, xử lý kịp thời, khách quan, toàn diện, chính xác, đúng quy định pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện tiếp nhận, xử lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố và các vụ việc khiếu nại, tố cáo có liên quan. Chú trọng nâng cao trình độ, nghiệp vụ và ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, tránh oan, sai, bỏ lọt tội phạm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia vào công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật; phát huy vai trò của lực lượng Công an xã. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trên các lĩnh vực; thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tạo môi trường ổn định, thuận lợi cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo đúng Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đã đề ra, góp phần đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Thùy Linh

Tin cùng chuyên mục