Kết quả Hội nghị trao đổi kinh nghiệm giữa các Ban của Hội đồng nhân dân, Văn phòng Hội đồng nhân dân các tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc

Được sự nhất trí của lãnh đạo Quốc Hội, Thường trực HĐND tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Ban Công tác đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc lần thứ sáu, nhiệm kỳ 2016-2021.
Video không hợp lệ

Trong các hoạt động của Hội nghị, ngày 08/4 đã diễn ra Hội nghị các Ban của HĐND và Văn phòng HĐND trao đổi về “Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh; Kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND tỉnh của Văn phòng HĐND tỉnh”.

Các Đồng chí Đặng Ngọc Huy, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Bùi Từ Thiện, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu; Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các đồng chí đại diện lãnh đạo các Ban của HĐND, Văn phòng HĐND các tỉnh của khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc; đại diện lãnh đạo các Ban và Văn phòng HĐND 04 tỉnh khách mời thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc Bộ; Khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; Khu vực Đông Nam Bộ.


Quang cảnh hội nghị

Hội nghị trao đổi kinh nghiệm giữa các Ban và Văn phòng HĐND cấp tỉnh là hoạt động mới, lần đầu tiên được tổ chức tại Tuyên Quang, là diễn đàn để đại biểu các Ban và Văn phòng trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm hay, sáng tạo, nêu lên khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hoạt động thẩm tra, giám sát của các Ban HĐND tỉnh cũng như trong công tác tham mưu, phục vụ của Văn phòng HĐND tỉnh. Thường trực HĐND tỉnh Tuyên Quang đã nhận được 30 bài tham luận của các tỉnh. Tại hội nghị đã có 06 đại biểu tham luận và trao đổi chia sẻ kinh nghiệm hoạt động. Mỗi tham luận gửi tới Hội nghị đều đã chuyển tải cách làm sáng tạo, đổi mới và nhiều giải pháp hay trong hoạt động của các Ban và Văn phòng HĐND.

Về hoạt động giám sát của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh

Theo báo cáo tham luận của các tỉnh, mỗi Ban HĐND tỉnh bình quân tiến hành 03 cuộc trong năm, trong đó có ít nhất là 01 cuộc giám sát chuyên đề. Hoạt động giám sát của các Ban HĐND tỉnh được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định, lựa chọn nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, sát thực tiễn phát huy vai trò của thành viên đoàn giám sát, trách nhiệm của các cơ quan phối hợp; khai thác nhiều nguồn tài liệu kết hợp giám sát trực tiếp, cụ thể tại cơ sở; khách quan, thẳng thắn trong kết luận giám sát và kiên quyết trong đôn đốc thực hiện kiến nghị sau giám sát. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử, tác động tích cực tới công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ của chính quyền các cấp.

Nhiều kinh nghiệm, cách làm hay trong quá trình thực hiện được chia sẻ như việc đổi mới hình thức giám sát chuyên đề bằng hình ảnh của Tuyên Quang hay ghi hình khi đi khảo sát của tỉnh Hà Giang đã có tác động trực tiếp đến đối tượng giám sát và các cơ quan, đơn vị liên quan, đem lại hiệu quả tích cực. Các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ có cải tiến phương pháp tổng hợp thông tin và thực hiện khảo sát tại cơ sở. Lai Châu, Sơn La thực hiện mời các nhà chuyên gia am hiểu sâu, rộng lĩnh vực giám sát, thẩm tra, nâng cao chất lượng phát hiện các vấn đề qua giám sát. Lào Cai ban hành nghị quyết về Quy chế tổ chức thực hiện giám sát chuyên đề, xây dựng phần mềm quản lý hệ thống tài liệu giám sát giúp cho việc đôn đốc, theo dõi thực hiện kiến nghị, kết luận giám sát được chủ động và phát huy hiệu quả giám sát… Sự quyết liệt trách nhiệm đối với các vấn đề mà các Ban của HĐND tỉnh đã kiến nghị hoặc chậm chưa được các cơ quan giải quyết đã được chuyển thành nội dung chất vấn tại kỳ họp hay giám sát chuyên đề, giám sát việc thực hiện lời hứa hoặc tái giám sát là cách làm hiệu quả của các tỉnh Thái Nguyên, Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình, Hà Giang. Truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn, tăng phiên giải trình và chất vấn của Thường trực HĐND là cách làm được các tỉnh Điện Biên, Lạng Sơn, Hòa Bình áp dụng.

Về hoạt động thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh

Các Ban HĐND tỉnh nhận thức đầy đủ, sâu sắc việc thẩm tra, đánh giá các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết được trình tại kỳ họp HĐND tỉnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng, chủ yếu của các Ban HĐND tỉnh. Chất lượng thẩm tra có ý nghĩa quan trọng là cơ sở giúp đại biểu HĐND tham gia thảo luận và quyết định để Nghị quyết của HĐND ban hành phát huy được tính hiệu lực, hiệu quả và đi vào cuộc sống. Từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, trung bình mỗi kỳ họp, các Ban tiến hành thẩm tra khoảng 06 báo cáo, đề án và trên dưới 10 dự thảo nghị quyết. Khối lượng thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh rất lớn, trong khi thành viên Ban hoạt động chuyên trách ít, chỉ có 02 thành viên.

Kinh nghiệm chung được rút ra qua thực tiễn hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND các tỉnh là: Để công tác thẩm tra bảo đảm chính xác, khách quan, toàn diện, báo cáo thẩm tra thực sự chất lượng, trước mỗi kỳ họp, các Ban đã bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, phân công của Thường trực HĐND tỉnh về các nội dung dự kiến trình kỳ họp để xây dựng kế hoạch thu thập thông tin, nghiên cứu tài liệu tổ chức khảo sát và chuẩn bị công tác thẩm tra. Phân công nhiệm vụ cho từng lãnh đạo Ban và chuyên viên giúp việc. Quá trình thẩm tra của các Ban HĐND phải được thực hiện đúng quy trình, khách quan, trung thực, chỉ ra những vấn đề cốt lõi cần phải giải quyết, thể hiện được chính kiến của cơ quan thẩm tra và có những kiến nghị xác đáng, khả thi. Tại hội nghị thẩm tra chỉ yêu cầu UBND tỉnh giải trình vào những vấn đề còn chưa rõ, chưa thống nhất; tập trung thảo luận nội dung trọng tâm, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Đối với các nội dung chưa đủ điều kiện, kiên quyết đề nghị không đưa vào chương trình kỳ họp.

Các Ban của HĐND nhiều tỉnh cũng có những cách làm sáng tạo riêng, các Ban của HĐND các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Sơn La… khi tổ chức thẩm tra mời các đồng chí trong Thường trực HĐND tỉnh dự, tham gia ý kiến. Chủ tọa kỳ họp của HĐND các tỉnh chú trọng gợi mở, định hướng đại biểu nghiên cứu, sử dụng thông tin trong báo cáo thẩm tra để tham gia thảo luận, quyết định. Các Ban của HĐND tỉnh Tuyên Quang, Lai Châu, Hà Giang…tích cực theo dõi việc thực hiện các kiến nghị đã nêu trong báo cáo thẩm tra… Những kinh nghiệm chung và cách làm sáng tạo của mỗi địa phương đã góp phần bảo đảm chất lượng công tác thẩm tra ngày càng được nâng cao.

Về hoạt động tham mưu, giúp việc của Văn phòng HĐND

Với vai trò cơ quan tham mưu, phục vụ hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh, Văn phòng HĐND các tỉnh đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định pháp luật, tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình công tác, chế độ thông tin báo cáo, ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới lề lối làm việc, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn, đáp ứng yêu cầu. Văn phòng HĐND tỉnh Bắc Kạn, Yên Bái thành lập Tổ giúp việc Thường trực HĐND tỉnh theo dõi, đôn đốc việc thực hiện quy định của Trung ương giao thẩm quyền cho HĐND tỉnh, qua đó giúp Thường trực HĐND tỉnh đôn đốc UBND tỉnh triển khai kịp thời các chính sách, điều hòa số lượng dự thảo nghị quyết giữa các kỳ họp, đồng hành cùng UBND trong xây dựng Nghị quyết. Văn phòng HĐND tỉnh Tuyên Quang, Lào Cai, Phú Thọ, Cao Bằng đã tham mưu cho Thường trực HĐND tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin qua áp dụng phần mềm điều hành kỳ họp và quản lý tài liệu trong hoạt động của HĐND, mở hộp thư gửi nhận tài liệu, phần mềm hệ thống tài liệu giám sát. Văn phòng HĐND tỉnh Hòa Bình tham mưu Thường trực HĐND tỉnh  tổ chức phiên họp thường kỳ hàng tháng để yêu cầu UBND các cấp, các sở, ngành liên quan báo cáo, giải trình các nội dung, vấn đề bức xúc được cử tri và nhân dân quan tâm.

Đã thực hiện chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính ở địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động liệu lực, hiệu quả” đối với ba Văn phòng trong khu vực là Hà Giang, Bắc Kạn, Yên Bái thực hiện sáp nhập ba Văn phòng thành Văn phòng tham mưu, giúp việc chung là Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Bước đầu triển khai thực hiện, đã tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương, giảm 06 đầu mối, giảm 12 chức danh, kịp thời xây dựng Quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ với lãnh đạo Văn phòng đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả công tác tham mưu, phục vụ hoạt động chung của Văn phòng.

Hạn chế - khó khăn, vướng mắc

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động thẩm tra, giám sát các Ban của HĐND tỉnh cũng còn một số bất cập, vướng mắc, khó khăn cần được tháo gỡ kịp thời như: Hoạt động phối hợp của các cơ quan, đơn vị liên quan có lúc chưa chặt chẽ, vẫn còn tình trạng gửi tài liệu đến đại biểu chậm so với quy định, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND có lúc thiếu tính phản biện, cơ chế cho chuyên gia phục vụ hoạt động thẩm tra, giám sát chưa được quy định cụ thể, rõ ràng nên quá trình áp dụng tại các địa phương còn chưa thống nhất. Bước đầu thực hiện sáp nhập 03 Văn phòng còn phát sinh những khó khăn, bất cập: Địa vị pháp lý, biên chế, kinh phí, quy chế hoạt động... chưa có hướng dẫn cụ thể nên trong quá trình điều hành và tổ chức thực hiện không tránh khỏi lúng túng.

Kiến nghị, đề xuất

Quốc hội sớm hoàn thiện và thông qua Luật tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), có quy định rõ thẩm quyền quyết định các nội dung HĐND ủy quyền cho Thường trực HĐND giải quyết giữa hai kỳ họp; quy định rõ chức danh phải bố trí đại biểu HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách, không nên để mở như hiện nay dẫn đến việc thực hiện không thống nhất giữa các địa phương. Có hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, biên chế đối với tỉnh thí điểm sáp nhập ba Văn phòng; cách thức lựa chọn vấn đề chất vấn, thông qua Nghị quyết về chất vấn.

Ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của HĐND phù hợp với Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, trong đó hướng dẫn cụ thể quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động giám sát của đại biểu, Tổ đại biểu HĐND tỉnh, thẩm quyền và hình thức xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện các kiến nghị giám sát, chậm giải quyết, trả lời đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân.

Ủy ban thường vụ Quốc hội tổng kết, đánh giá thực hiện thí điểm mô hình sáp nhập ba Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc Hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân, trên cơ sở đó xem xét việc sáp nhập các Văn phòng phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.

Hồng Hạnh

Tin cùng chuyên mục