Hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri của Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang

Điều 74, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định: Thường trực HĐND tỉnh có trách nhiệm giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và chuẩn bị báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trình HĐND cùng cấp. Đây là một hình thức giám sát mới và được giao riêng cho Thường trực HĐND.

Trước đây, thực hiện Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003, các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các cuộc tiếp xúc cử tri và các “kênh” khác đều được Ủy ban MTTQ và HĐND tỉnh tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết. Trước mỗi kỳ họp HĐND tỉnh, UBND tỉnh đều có báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri từ kỳ họp trước (nhưng thực chất chỉ là trả lời ý kiến cử tri). Báo cáo này được HĐND tỉnh xem xét tại kỳ họp của HĐND tỉnh, thực tế cho thấy rất ít đại biểu đóng góp ý kiến đối với báo cáo. Do đó, hiệu quả giải quyết kiến nghị của UBND tỉnh và các sở, ngành chưa được quan tâm đánh giá. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền đối với việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri còn nhiều hạn chế.


Đô thị Bắc Giang

Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 quy định khá cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri đối với UBND tỉnh. Từ khi Luật có hiệu lực (tháng 7/2016) đến nay, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức 5 cuộc giám sát đối với UBND tỉnh về giải quyết kiến nghị của cử tri. Những kỳ họp gần đây, 100% kiến nghị của cử tri đều được xem xét, giải quyết, trả lời; phân loại rõ theo lĩnh vực; theo thẩm quyền, thời gian, cấp độ giải quyết (đã giải quyết xong, đang được giải quyết, sẽ được giải quyết, chưa thể giải quyết và những kiến nghị để giải trình, thông tin). Với những kiến nghị đang và sẽ được giải quyết đều ghi rõ lộ trình, thời gian thực hiện, hoàn thành. Qua giám sát cho thấy, số lượng các kiến nghị giải quyết xong kỳ sau cao hơn kỳ trước. Ví dụ: Kỳ 3 có 15/78 kiến nghị, đạt 19,2%; kỳ 4 có 20/47 kiến nghị có điều kiện để giải quyết đã hoàn thành, đạt 42,6% và 13/33 kiến nghị của kỳ 3 chưa giải quyết xong chuyển sang; kỳ 5 có 21/46 kiến nghị có điều kiện giải quyết đã hoàn thành, đạt 45,7% và 9/25 kiến nghị của kỳ 4 chưa giải quyết xong chuyển sang.

Kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri đều được thông báo đến cử tri trực tiếp tại các phiên tiếp xúc, thông báo đến người có kiến nghị, cơ quan, đơn vị chuyển kiến nghị; công khai trên truyền thông. Khảo sát của các Tổ đại biểu và các Ban của HĐND tỉnh cho thấy, chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri cơ bản đáp ứng yêu cầu, qua các cuộc tiếp xúc, cử tri đều có phản hồi tích cực. Có được những kết quả như vậy là do sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nhất là sự tập trung cao của UBND tỉnh. Cùng đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa Thường trực HĐND, các Ban của HĐND với UBND tỉnh. Sau khi tiếp nhận kiến nghị của cử tri do Thường trực HĐND tỉnh chuyển, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các cơ quan, UBND các huyện, thành phố rà soát, phân công giải quyết, trả lời rõ ràng. Trong giám sát của Thường trực HĐND tỉnh cũng như chỉ đạo của UBND tỉnh luôn đề cao yêu cầu giải quyết đến cùng các kiến nghị của cử tri; theo đến cùng kể cả các kiến nghị thuộc thẩm quyền của cơ quan Trung ương. Chính sự quyết liệt đó đã làm thay đổi nhận thức về việc giải quyết kiến nghị cử tri của UBND tỉnh cũng như giám đốc các sở, ngành; tạo nên những chuyển biến tích cực trong giải quyết kiến nghị của cử tri, được cử tri đánh giá cao. UBND tỉnh đã kịp thời ban hành Quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tạo thêm cơ sở vững chắc, hiệu quả trong giải quyết kiến nghị cử tri. Quy chế nêu rõ trách nhiệm, thời hạn giải quyết và trả lời kiến nghị của các cơ quan, đơn vị, coi kết quả thực hiện tiếp nhận, giải quyết và trả lời các kiến nghị của cử tri là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Mặc dù Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 ban hành đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể nên việc tổ chức hoạt động giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri còn gặp khó khăn, vướng mắc nhưng với sự quyết tâm, chủ động, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang đã có những biện pháp chỉ đạo cụ thể nhằm đạt kết quả tốt. Để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả giải quyết kiến nghị của cử tri, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang xác định phương châm là: Cùng với sự giám sát thường xuyên của Thường trực HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh, UBND tỉnh phải tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các ngành, UBND các huyện, thành phố quan tâm sâu sát hơn nữa đến công tác giải quyết kiến nghị của cử tri, gắn trách nhiệm cụ thể với công việc được giao, đồng thời xác định giải quyết kiến nghị của cử tri là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm. Tập trung xem xét, giải quyết dứt điểm các kiến nghị còn tồn đọng từ các kỳ họp trước, nhất là kiến nghị cấp thiết gắn với cuộc sống thường ngày của nhân dân như: Đất đai, môi trường, kết cấu hạ tầng giao thông... Nâng cao chất lượng công tác tổng hợp, phân loại kiến nghị của cử tri, phân công nhiệm vụ kịp thời cho các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền trả lời, giải quyết bảo đảm đúng thời gian, tiến độ; đồng thời tổng hợp kết quả giải quyết sát, đúng với thực tế. Xác định rõ lộ trình, thời gian giải quyết cụ thể đối với nội dung đang giải quyết và sẽ giải quyết. Thông báo kịp thời đến cử tri kết quả giải quyết. Nâng cao chất lượng công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri của các Tổ đại biểu HĐND, của đại biểu HĐND; tích cực chủ động thực hiện nhiệm vụ giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri theo quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND./.

Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang

Tin cùng chuyên mục