Tuyên Quang - Giải pháp phát triển bền vững kinh tế lâm nghiệp

Với gần 450 nghìn ha đất lâm nghiệp, chiếm khoảng 76% diện tích đất tự nhiên, Tuyên Quang có nhiều lợi thế trong trồng rừng phát triển kinh tế lâm nghiệp. Do đó, thời gian qua, trồng rừng phát triển kinh tế luôn được tỉnh Tuyên Quang đặc biệt quan tâm. Hỗ trợ cây giống lâm nghiệp chất lượng cao là một trong những giải pháp của tỉnh Tuyên Quang nhằm giúp người dân, đặc biệt là hộ nghèo vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ trồng rừng.

Chúng tôi tìm về xã Tân Tiến, xã có diện tích rừng trồng bằng cây giống lâm nghiệp chất lượng cao nhiều nhất trên địa bàn huyện Yên Sơn. Anh Lý Minh Hiếu, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho biết: Năm 2018, Với tổng diện tích trên 4.800ha rừng, trong đó có rừng sản xuất chiếm trên 4.300ha, trồng rừng là một trong hướng đi chủ yếu trong phát triển kinh tế của người dân trên địa bàn xã. Tuy nhiên, trước đây nhiều hộ dân trên địa bàn xã chưa chú trọng đến chất lượng cây giống trong trồng rừng. Do đó, khi tỉnh có chính sách hỗ trợ cây giống lâm nghiệp chất lượng cao, xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân để mọi người hiểu và thực hiện. Năm 2018, toàn xã trồng gần 180 ha rừng với 100% là giống cây lâm nghiệp chất lượng cao là keo hạt nhập ngoại và cây keo mô. Năm 2019, toàn xã đăng ký trồng gần 60 ha rừng bằng giống cây lâm nghiệp chất lượng cao, đạt 100% kế hoạch được giao.


Ông Ma Xuân Nhị chia sẻ về ưu điểm của cây keo giống chất lượng cao sau khi được trồng

Là một trong những hộ được nhận hỗ trợ cây giống lâm nghiệp chất lượng cao, ông Ma Xuân Nhị, thôn 11, xã Tân Tiến phấn khởi chia sẻ: Gia đình ông bắt đầu trồng keo từ năm 2011, với tổng diện tích 5ha, chủ yếu là trồng keo hạt. Cuối năm 2017, rừng keo của gia đình cho thu hoạch nên ông đăng ký nhận hỗ trợ cây giống lâm nghiệp lâm chất lượng cao. Tháng 6 vừa qua, gia đình ông bắt đầu trồng mới 5ha cây keo bằng cây giống được hỗ trợ. Đến nay, sau hơn 6 tháng cây keo đã phát triển xanh tốt, so với giống keo cũ của gia đình trồng trước đây thì giống keo mới phát triển nhanh hơn, cây khỏe và ít bị sâu bệnh, chăm sóc cũng dễ dàng hơn. Dự kiến, thời gian thu hoạch cũng rút ngắn hơn một năm với giống keo cũ, trữ lượng gỗ cũng nhiều hơn…

Anh Bùi Trung Kiên, Trưởng thôn 11, xã Tân Tiến cho biết: Thôn có 89 hộ dân, trong đó 60%  là dân tộc Tày. Trong đợt hỗ trợ cây giống lâm nghiệp chất lượng cao vừa qua, thôn có 2 hộ đăng ký nhận hỗ trợ với tổng diện tích 10ha. Sự hỗ trợ này đã giúp các hộ dân, đặc biệt là hộ nghèo trong thôn có điều kiện để phát triển kinh tế. Đồng thời, làm thay đổi nhận thức của người dân về vai trò của cây giống chất lượng cao trong phát triển lâm nghiệp. Do đó, hiện nay thôn có thêm 2 hộ dân đăng ký nhận hỗ trợ cây keo giống chất lượng cao của năm 2019, với tổng diện tích gần 7ha.

Ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Tuyên Quang cho biết: Với mong muốn giúp người dân phát triển kinh tế bền vững từ trồng rừng, ngày 25/7/2017 Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 03 về chính sách hỗ trợ cây giống lâm nghiệp chất lượng cao, giai đoạn 2018-2021. Theo đó, các cá nhân, hộ gia đình thực hiện trồng rừng trên đất quy hoạch là rừng sản xuất, khi trồng mới sẽ được hỗ trợ cây Keo lai sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô và cây Keo tai tượng được gieo ươm từ hạt giống nhập ngoại đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của trồng rừng sản xuất. Hình thức hỗ trợ 01 lần bằng cây giống, với cây Keo lai mô hỗ trợ 1.460cây/ha, cây Keo tai tượng hạt nhập ngoại là 1.826cây/ha…

Là đơn vị được giao chủ trì thực hiện, nên ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh giao chỉ tiêu, kế hoạch trồng rừng bằng cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho các huyện. Đồng thời, Chi cục cũng tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị quyết. Năm 2018, là năm đầu tiên thực hiện nghị quyết, đã có 694 hộ dân trên địa bàn tỉnh được nhận hỗ trợ cây giống lâm nghiệp chất lượng cao, với tổng số trên 1.600 cây, trồng được trên 1.000ha rừng; ngoài hỗ trợ cây giống, các hộ dân còn được hỗ trợ chi phí vận chuyển cây, chi phí khảo sát, xác định vị trí, diện tích, lập hồ sơ và ký kết hợp đồng trồng rừng (tổng kinh phí hỗ trợ trên 3,53 tỷ đồng). Điều này đã giúp người trồng rừng giảm bớt chi phí đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trồng rừng do được trồng bằng cây giống tốt.

Trong năm 2019, các sở, ngành cấp tỉnh cùng với các cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp xã, các Ban quản lý dự án Bảo vệ và Phát triển rừng ở cơ sở tăng cường hơn nữa sự phối hợp đảm bảo chặt chẽ, phân công nhiệm vụ rõ ràng; khắc phục tồn tại năm 2018 trong việc thẩm định, đấu thầu, lựa chọn nhà thầu cung ứng giống cây, cùng với thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện chắc chắn nghị quyết sẽ được triển khai theo đúng kế hoạch đề ra. Hiện nay, công tác rà soát, lập kế hoạch, dự toán kinh phí… hỗ trợ cây giống chất lượng cao cho năm 2019 đã được hoàn thành. Dự kiến năm 2019, tỉnh sẽ hỗ trợ cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho người dân trồng trên 1.000ha rừng.

Ngô Hùng-Phạm Yến

Tin cùng chuyên mục