Từ phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”

Tỉnh ta còn nhiều khó khăn nhưng với các biện pháp chỉ đạo, triển khai bài bản, quyết liệt đã huy động được sức dân tham gia xây dựng 3 công trình theo Nghị quyết số 15, ngày 22-5-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVI) về kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ nhân dân gắn với sân thể thao và khuôn viên giai đoạn 2016 - 2020. Những công trình của lòng dân đã có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo diện mạo mới cho mỗi vùng quê.

Người dân là chủ thể

Giai đoạn trước, phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” nhưng chưa huy động tối đa nguồn lực trong nhân dân trong xây dựng 3 công trình. Ở một số nơi, người dân vẫn còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, do đó chưa thực sự vào cuộc, nhiều công trình còn manh mún, nhỏ lẻ.

Trước yêu cầu phát triển mới, đặc biệt là phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã “chuyển trạng thái” sang phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Điều này đã phát huy quyền làm chủ của người dân trong xây dựng 3 công trình. Trong 5 năm thực hiện, tỉnh đã quan tâm ưu tiên nguồn lực và lồng ghép các nguồn vốn khác được hơn 1.366.336 triệu đồng để đầu tư xây dựng 3 công trình, trong đó nhân dân đóng góp bằng ngày công, vật liệu ước tính trị giá hơn 437.742 triệu đồng. Nhân dân các xã trên địa bàn tỉnh còn tự nguyện hiến 113.098,5 m2 đất để lấy mặt bằng thi công xây dựng các công trình.


Được sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân thôn Cảy, xã Minh Thanh (Sơn Dương) hoàn thành hệ thống kênh mương phục vụ tưới tiêu. Ảnh: K.T

Nhiều hộ gia đình đã tự nguyện hiến hàng trăm, hàng nghìn m2 đất cho thôn, xã xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông, kiên cố kênh mương nội đồng. Những “tấc vàng” cho đi để làm nên những công trình mới, cho quê hương thêm sức sống mới. Điển hình là gia đình bà Nông Thị Đàn, thôn Hợp Thành, hiến 800 m2 đất; bà Quan Thị Điệp, thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) hiến 720 m2; bà Trần Thị Mai, thôn Nà Vai, xã Năng Khả (Na Hang) hiến 1.150 m2 đất; bà Nguyễn Thị Lương, thôn Đồng Quang, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) hiến 2.000 m2 đất để xây dựng nhà văn hóa thôn... Bà  Nguyễn Thị Lương, thôn Đồng Quang, xã Tân Thịnh chia sẻ, bà thấy rằng xây dựng nhà văn hóa thực sự có ý nghĩa, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho chính bản thân, gia đình, cộng đồng, vậy nên bà và người thân không toan tính thiệt hơn, tự nguyện hiến đất vườn đồi cho thôn làm nhà văn hóa. Công trình được hoàn thành tạo không gian sinh hoạt cộng đồng hữu ích, xây đắp tình đoàn kết thôn xóm, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn.

Từ sự chỉ đạo quyết liệt, bài bản, khoa học của cấp ủy, chính quyền, khơi dậy sức dân, các công trình mới đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo vóc dáng mới cho mỗi vùng quê, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Trong 5 năm toàn tỉnh đưa vào sử dụng 470,62 km đường nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, nâng tổng số đường nội đồng được bê tông hóa toàn tỉnh lên 702,906 km/1.639,46 km, đạt 42,87%; lắp đặt 944,87 km kênh bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn, nâng tổng số kênh được kiên cố hóa toàn tỉnh lên 2.871,82 km/3.712,39 km, đạt 77,36%; đưa vào sử dụng 550 nhà văn hóa thôn, bản, tổ nhân dân gắn với sân thể thao và khuôn viên, nâng tổng số nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định toàn tỉnh lên 1.183 nhà/1.739 nhà, đạt 68,02%.

Những tác động lớn

Các công trình được xây dựng theo Nghị quyết 15 đưa vào sử dụng có tác động lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Diện mạo nông thôn, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện.

Chưa khi nào đường nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang như bây giờ. Ông Nguyễn Văn Thảo, thôn Đồng Bừa, xã Đông Lợi (Sơn Dương) tự hào khi quê mình ngày càng phát triển. Từ trung tâm xã về nhà ông hơn 4 km, trước đây chưa có đường bê tông thì nhọc lắm, nhưng nay con đường phẳng phiu, xe máy bon bon ra Kim Xuyên mua hàng hóa, rất thuận. Con cái ông chăm chỉ làm ăn, phát triển chăn nuôi bò, trồng mía, sắn, nhà cửa xây dựng khang trang, còn mua được cả ô tô làm dịch vụ vận tải hàng hóa cho bà con trong vùng. Điều này trước kia ông nào nghĩ tới. Qua báo chí, ông được biết tỉnh đang triển khai thực hiện Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn sẽ mở ra tương lai tươi sáng cho mỗi vùng quê. Có đường thuận thì việc giao thương, buôn bán hàng hóa của người dân ngày càng thuận lợi hơn, làng quê sẽ giàu có hơn, rồi sau này nhiều làng quê, trong đó có quê ông sẽ thành phố đông đúc. Ông Thảo tin như vậy.

Hệ thống kênh mương đúc sẵn đưa nước về các xứ đồng đã tác động mạnh mẽ đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Cấu kiện bê tông thành mỏng đúc sẵn đã tăng lưu lượng dẫn nước khoảng 10-12%, ít xảy ra hiện tượng rò rỉ, thất thoát nước trong kênh, dễ dàng nạo vét bùn đất bồi lắng lòng kênh hơn. Các nhà văn hóa gắn với sân thể thao và khuôn viên được xây dựng tạo ra không gian sinh hoạt cộng đồng cho người dân, góp phần xây đắp tình đoàn kết thôn xóm, bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc. Ông Hồ Ngọc Quang, thôn 5, xã Tân Tiến (Yên Sơn) phấn khởi nói, thôn ông có nhà văn hóa to, có đường bê tông, những tuyến kênh mương được kiên cố hóa, năng suất lúa tăng lên nhiều rồi, giờ không có ai thiếu đói nữa, chỉ lo làm giàu thôi. Mỗi chiều về, người dân trong thôn rộn rã rủ nhau đi chơi bóng chuyền, tối đến các bà, các chị lại cùng nhau học khiêu vũ, truyền dạy hát Then, Páo dung, Sình ca sôi nổi lắm. Những con đường bê tông nối các thôn lại với nhau gần hơn, lấp lánh ánh điện lúc đêm về. Làng quê đã khác rồi, năm nay Tân Tiến sẽ đạt chuẩn nông thôn mới từ những tác động lớn của 3 công trình. 

Những tác động mạnh mẽ từ 3 công trình đã tạo nên vóc dáng mới cho các miền quê, làm nền tảng vững vàng để Tuyên Quang thực hiện mục tiêu phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Thành Công

Tin cùng chuyên mục