Tăng thêm cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Với mục tiêu có ít nhất 60 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp vào năm 2020, tỉnh đã xây dựng nhiều chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Một trong những giải pháp thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chính là tạo thêm các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Công nhân sắp xếp, vận chuyển sản phẩm đường kính trắng tại kho đường thuộc Nhà máy đường Tuyên Quang. 

Theo báo cáo từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2018, toàn tỉnh mới chỉ có 52 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản trong tổng số 1.518 doanh nghiệp hoạt động. Hiện đã có một số chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó chủ yếu là tập trung hỗ trợ vốn. Nghị định 210/2013/NĐ-CP, ngày 19-12-2013 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là một trong những chính sách được tỉnh triển khai và bước đầu đã có một số doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ. Trên địa bàn tỉnh đã có 2 dự án được cấp kinh phí hỗ trợ, gồm Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy đường Tuyên Quang của Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương và Dự án nhà máy chế biến nông sản tại Cụm công nghiệp An Thịnh của Công ty TNHH Sao Việt Tuyên Quang, với tổng số tiền 7 tỷ đồng.

Trong đó, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương được hỗ trợ 2 tỷ đồng, Công ty TNHH Sao Việt Tuyên Quang 5 tỷ đồng. Bà Bùi Thị Thúy, Giám đốc Công ty TNHH Sao Việt Tuyên Quang cho biết, nguồn vốn hỗ trợ từ Nghị định 210 đã góp phần giúp nhà máy đầu tư dây chuyền máy móc, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản sau khi thu hoạch, đem lại hiệu quả kinh tế cho người trồng nguyên liệu nông sản và  tạo bước đột phá trong lĩnh vực đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản, chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh, giải quyết việc làm cho người lao động. 

Nghị quyết số 41/2015/NQ-HĐND, ngày 22-12-2015 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2016. Theo thống kê, đến hết năm 2018, đã có 3 dự án được UBND tỉnh quyết định hỗ trợ, gồm 2 Dự án trồng mới, trồng lại chè năng suất chất lượng cao của Công ty cổ phần Chè Sông Lô và Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm, Dự án chăn nuôi trâu thịt tập trung của Công ty TNHH MTV thương mại Oanh Phương. 

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có một số dự án triển khai đáp ứng các điều kiện hỗ trợ theo Nghị định 210, Nghị quyết 41 nhưng chưa lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ, như Dự án trang trại bò sữa kỹ thuật cao của Công ty cổ phần Hồ Toản, Dự án nhà máy chế biến sữa của Công ty cổ phần thực phẩm TH, Dự án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao của Công ty cổ phần nông nghiệp quốc tế, Dự án chăn nuôi lợn của Công ty TNHH DABACO Tuyên Quang, Dự án nhà máy chế biến gỗ của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang; Dự án bảo quản, chế biến cam của Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên, Dự án chăn nuôi lợn tập trung của Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Mai Tuyết… 

Điều kiện vay vốn chặt chẽ, lãi suất vay vốn tại các ngân hàng thương mại cao, chưa có chính sách riêng về khuyến khích tập trung đất đai, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh vào nông nghiệp, nông thôn… là một trong những rào cản khiến các doanh nghiệp “ngại” đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Để tăng thêm cơ chế, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu, xây dựng một nghị quyết về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Trong đó ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến chè; chăn nuôi trâu, lợn tập trung… Ngoài việc hỗ trợ đến 50% chi phí xây dựng hạ tầng cho doanh nghiệp, Nghị quyết sẽ hỗ trợ tập trung đất đai theo hình thức thuê quyền sử dụng đất hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất, để bài toán về tích tụ đất đai cho doanh nghiệp sản xuất lâu dài được giải quyết hài hòa và ổn định. 

Tăng thêm cơ chế, tạo thêm nguồn lực cho doanh nghiệp, đây được hy vọng sẽ là cú huých để sản xuất nông nghiệp hàng hóa của tỉnh theo kịp thị trường, khi có sự cam kết của doanh nghiệp theo mối liên kết chuỗi được hình thành chặt chẽ. Doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu, nông dân có thu nhập và câu chuyện “được mùa mất giá” sẽ không còn ám ảnh mỗi mùa thu hoạch. 

Theo báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục