Nhiều cơ chế, chính sách thiết thực

Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII có 26 dự thảo nghị quyết được thông qua, trong đó có một số nghị quyết quan trọng về cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo dõi kỳ họp, nhiều cử tri tán thành và tin tưởng khi các cơ chế, chính sách này được ban hành sẽ đáp ứng được những mong mỏi của nhân dân.

Các cử tri tổ dân phố 7, phường Minh Xuân chăm chú theo dõi chương trình kỳ họp thứ 8 của HĐND tỉnh

Ông Phạm Quang Trung, cử tri thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) chia sẻ, ông rất quan tâm đến dự thảo Nghị quyết về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2021. Trong đề án này, huyện Sơn Dương có 4 xã sẽ được sáp nhập để thành lập 2 xã mới. Đó là nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Sầm Dương và xã Lâm Xuyên để thành lập xã Trường Sinh; nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Thanh Phát và xã Tuân Lộ để thành lập xã Tân Thanh. Theo ông, sau khi sáp nhập sẽ phát sinh nhiều vấn đề cần giải quyết. Ông mong rằng, tỉnh sẽ có những giải pháp, cách làm phù hợp, thận trọng, hiệu quả. Đồng thời, có những chính sách hỗ trợ phù hợp đối với số lượng cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập, tránh gây xáo trộn lớn, đảm bảo ổn định tư tưởng cán bộ, công chức...

Ông Đinh Văn Hưng, Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ 7, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) cho biết: “Các chính sách hỗ trợ của tỉnh cho các cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư được thông qua tại kỳ họp lần này rất kịp thời. Mức hỗ trợ rất rõ ràng, công khai, cụ thể, phù hợp với thời gian hoạt động nên tôi hoàn toàn tán thành. Tổ dân phố 7 được sáp nhập từ các tổ 17,18, 25. Sau khi sáp nhập, tổ có 8 người hoạt động không chuyên trách dôi dư, không tham gia hoạt động nữa. Qua nắm bắt, các cán bộ dôi dư đều vui vẻ với chính sách hỗ trợ này”.

Còn bà Nguyễn Thị Nho, cử tri tổ 7, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) nhìn nhận, chính sách khuyến khích phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập mà kỳ họp thông qua là chính sách cần thiết, hợp lý bởi việc phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập sẽ góp phần giảm áp lực cho các cơ sở giáo dục công lập, tạo sự lựa chọn mới cho phụ huynh, học sinh, cũng như việc nâng cao chất lượng dạy và học cho trẻ tại các trường mầm non. Hơn nữa, chính sách này sẽ tạo điều kiện để thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các trường mầm non ngoài công lập, mở rộng các cơ sở giáo dục mầm non tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi trẻ mầm non chưa có điều kiện tiếp xúc với các mô hình giáo dục mới.

Ông Lê Tư, Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ 1, phường Hưng Thành cho biết, ông rất yên tâm khi kỳ họp đã thảo luận và thông qua dự thảo Nghị quyết ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Bởi sau khi nghị quyết ban hành, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán  quỹ BHYT sẽ được công khai, minh bạch.

Anh Nguyễn Vũ Linh, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh, Chủ tịch Câu lạc bộ Đầu tư và khởi nghiệp tỉnh cho rằng, việc tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh là rất kịp thời và cần thiết đối với các cơ sở kinh doanh. Từ nghị quyết này, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của tỉnh, cũng như tháo gỡ được các khó khăn liên quan đến các vấn đề như cập nhật các thông tin, tư vấn, phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị….

Có thể nói, các nghị quyết về các cơ chế, chính sách đưa ra tại kỳ họp cơ bản được đông đảo cử tri trong tỉnh nắm bắt, tán thành. Các cử tri mong chờ các nghị quyết sớm được cụ thể hóa và đi vào cuộc sống.

Theo báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục