Nghị quyết sửa đổi phù hợp với nguyện vọng của nhân dân

Xác định sản xuất cây lâm nghiệp là mũi nhọn phát triển kinh tế của tỉnh, cây gỗ rừng trồng là một sản phẩm chủ lực để tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao là một trong những giải pháp quan trọng để hỗ trợ người dân trồng rừng tăng thu nhập, tiến tới làm giàu từ rừng trồng góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Ngày 25/7/2017 Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 03/NQ-HĐND về hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2018 - 2021, với chính sách hỗ trợ hai loại giống cây keo lai được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô và cây keo tai tượng được gieo ươm từ hạt giống nhập ngoại đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định để trồng rừng sản xuất. Qua hai năm thực hiện cho thấy chính sách này là hiệu quả và phù hợp. Tuy nhiên, trên thực tế diện tích đất sản xuất của các hộ gia đình đang quản lý, sử dụng đa phần còn mang tính nhỏ lẻ, không đủ điều kiện hỗ trợ theo nghị quyết với diện tích 0,5ha. Do vậy, khi triển khai thực hiện, nhiều hộ gia đình không được hưởng hỗ trợ từ chính sách.


Quang cảnh kỳ họp thứ 8, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII (Ngày 24/7/2019). Ảnh Thành Công

Để tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình, cá nhân được hưởng lợi từ chính sách, đồng thời phù hợp với quy định hiện nay về diện tích rừng liên vùng từ 0,3 ha trở lên theo quy định tại điểm 3, Điều 2 Luật Lâm nghiệp, ngày 24/7/2019 tại kỳ họp thứ 8, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII đã sửa đổi điều kiện hỗ trợ đối với cá nhân, hộ gia đình “có từ 0,3 ha đất lâm nghiệp tập trung trở lên, thuộc quy hoạch trồng rừng sản xuất”.

Với việc tháo nút thắt kịp thời về điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ chắc chắn nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ ngày càng phát huy hiệu quả trong thực tế, giúp nhân dân phát triển kinh tế rừng, nâng cao đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Song để nghị quyết đi vào cuộc sống, có sức lan tỏa, các ngành, các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh về nội dung, chính sách và lợi ích của việc sử dụng giống cây lâm nghiệp chất lượng cao để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng. Kịp thời hướng dẫn cụ thể quy trình, trình tự, trách nhiệm của người dân khi được hỗ trợ cây giống đảm bảo việc hỗ trợ được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi. Đặc biệt quan tâm thực hiện tốt việc quản lý, kiểm soát nguồn gốc giống cây trồng lâm nghiệp; lựa chọn đơn vị có đủ năng lực sản xuất cung ứng cây giống đảm bảo tiêu chuẩn và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, cấp chứng nhận đủ điều kiện cung ứng giống./.

Hồng Hạnh

Tin cùng chuyên mục