Hoàn thiện hệ thống đường giao thông nội đồng

Với mục tiêu để ngành nông nghiệp trở thành bệ đỡ của nền kinh tế, tỉnh tập trung nhiều giải pháp để hoàn thiện hạ tầng phục vụ sản xuất. Sau chương trình kiên cố hóa kênh mương nội đồng và bê tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa theo Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh, tỉnh tiếp tục triển khai đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn. Trong đó mục tiêu là tiếp tục hoàn thiện hệ thống đường nội đồng đồng bộ, đến từng vùng sản xuất, đảm bảo thuận lợi nhất cho sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Đường bê tông thôn Đa Năng, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) được xây dựng từ Chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn.

Từ khi hoàn thành 650 mét tuyến đường nội đồng Chang Tông, thôn Đon Bả, xã Lăng Can (Lâm Bình), gần 70 hộ dân trong thôn trồng lúa, trồng màu trên cánh đồng này không còn vất vả như trước kia nữa. Ông Nguyễn Văn Thắng, người dân trong thôn phấn khởi nói, trước đây mỗi khi thu hoạch mùa vụ là người nông dân phải khiêng, gánh ngô, lúa xa 200 m mới ra tới đường chính để cho lên xe chở về nhà được, đường đi nhỏ, trời mưa trơn trượt rất vất vả. Nhờ có tuyến đường mà việc trồng ngô, cấy lúa đã thuận tiện hơn nhiều. Hiện nay, máy làm đất, máy gặt lúa, xe ô tô chở lúa đã đến được tận chân ruộng nên việc thu hoạch và gieo trồng luôn được đảm bảo theo đúng kế hoạch, góp phần tăng năng suất cây trồng. Người dân cũng hăng say sản xuất hơn, không còn hộ nào bỏ ruộng.

Đây chỉ là một trong số ít những tuyến đường hoàn thành theo Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh. Trong giai đoạn 2016 - 2020, qua Nghị quyết này, tỉnh đã hoàn thành đưa vào sử dụng 470,62 km đường nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, nâng tổng số đường nội đồng được bê tông hóa toàn tỉnh hết năm 2020 lên gần 703 km.

Tại các địa phương, qua rà soát, nhu cầu bê tông các tuyến đường nội đồng vẫn rất lớn. Tú Thịnh (Sơn Dương) là xã đã hình thành được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Từ vùng sản xuất tỏi ở khu vực Hưng Thịnh, Đa Năng; vùng sản xuất lúa, rừng ở Cầu Quất; vùng dược liệu như cây hương nhu, cây sả ở Đông Thịnh... Tuy nhiên, theo đồng chí Lương Văn Thuyết, Phó Chủ tịch UBND xã, thì ở Tú Thịnh, các tuyến đường nội đồng được cứng hóa, bê tông hóa vẫn còn khá ít. Trong năm nay, xã đặt mục tiêu phải hoàn thành trên 17 km đường giao thông nông thôn, trong đó có 13 km đường nội đồng, đảm bảo đạt tiêu chí giao thông trong bộ tiêu chí nông thôn mới.

Đồng chí Trần Thị Nga, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đa Năng cho biết, ở Đa Năng có vùng tỏi hơn 2 ha, vùng sản xuất lúa hơn 30 ha, trong khi chỉ có một số tuyến đường đã được cứng hóa từ Chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn của tỉnh triển khai nhiều năm trước. Qua rà soát nhu cầu của người dân, trong năm nay, Đa Năng đăng ký hoàn thành 350 mét đường nội đồng. Theo bà Nga, việc vận động người dân đóng góp ngày công, vật liệu xây dựng thời điểm này tương đối thuận lợi, do nhu cầu sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ nông sản của bà con ngày càng lớn.

Ngoài Đa Năng, nhiều thôn như Cầu Quất cũng đăng ký 300 mét; Cầu Bì 600 mét; Hưng Thịnh gần 160 mét; Đông Thịnh 770 mét… Theo ông Thuyết, do nhu cầu từ phía người dân lớn, nên đến thời điểm này, đã có nhiều thôn hoàn thành phần mặt bằng, chờ cung ứng vật liệu để sẵn sàng thi công.


Một đoạn đường giao thông nội đồng thôn Lung May, xã Khuôn Hà được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất.

Xã Bình An (Lâm Bình) hiện đã quy hoạch nhiều vùng sản xuất hàng hóa. Như vùng sản xuất lúa năng suất cao tại các thôn Phiêng Luông, Chẩu Quân; vùng trồng rau sạch ở thôn Tống Pu, Tân Hoa; vùng chăn nuôi trâu, bò thịt đảm bảo an toàn sinh học ở thôn Tiên Tốc, Chẩu Quân, Nà Coóc, Phiêng Luông, Tát Ten... Đồng chí Ma Công Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Bình An cho biết, vì đặc thù là xã vùng cao, đường giao thông đi lại khó khăn, nên nhu cầu xây dựng các tuyến đường giao thông nội đồng phục vụ sản xuất, đi lại của bà con là rất lớn. Trong năm 2021, xã đăng ký hoàn thành trên 3,3 km đường vào các vùng sản xuất hàng hóa. Hiện bà con đã sẵn sàng mặt bằng, tập kết vật liệu để xây dựng, những khu vực cần thêm mặt bằng để hoàn thành, bà con cũng sẵn sàng hiến diện tích đất sản xuất để thực hiện.

Ông Hoàng Văn Phong, Trưởng thôn Phiêng Luông, xã Bình An cho biết, ở Phiêng Luông đã hình thành vùng sản xuất lúa và cam theo hướng hàng hóa. Để thuận lợi cho người dân sản xuất, năm 2021, Phiêng Luông đăng ký 3 tuyến đường, tổng chiều dài 600 mét. Tại một số điểm, người dân đã tự nguyện hiến đất để đảm bảo đủ mặt bằng thi công, như ông Ma Văn Tương hiến 200 mét, ông Ma Văn Chanh hiến hơn 100 mét. Tuyến đường này sẽ được thi công vào tháng 6, tháng 7, còn một số tuyến sẽ tiếp tục được thi công vào tháng 10, 11.

Theo Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh phấn đấu sẽ bê tông hóa ít nhất 460 km, nâng tỷ lệ bê tông hóa đường nội đồng trên địa bàn toàn tỉnh sau khi thực hiện đề án này đạt trên 60%. Trong đó, riêng trong năm 2021, các địa phương trong tỉnh sẽ hoàn thành gần 115 km. Trong đó huyện Chiêm Hóa 28 km; Na Hang 10 km; Lâm Bình 12 km; Hàm Yên 15 km; Yên Sơn 23 km; Sơn Dương 25 km và thành phố Tuyên Quang 1,77 km.

Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, việc tiếp tục triển khai các chương trình xây dựng hạ tầng cho nông nghiệp, trong đó có đường giao thông nội đồng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân mở rộng sản xuất, đầu tư thâm canh và áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào phát triển sản xuất. Qua đó, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từng bước cải thiện khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường. Quá trình này sẽ thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, Hợp tác xã để tạo sự liên kết từ khâu phát triển vùng nguyên liệu đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục