Gắn sao cho sản phẩm OCOP: Cuộc đua giữa các chủ thể sản xuất

Giữa tháng 8-2020, sau đợt bình xét đầu tiên của Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Tuyên Quang đã có những sản phẩm OCOP đầu tiên được gắn sao. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để sản phẩm nông nghiệp nông thôn của tỉnh chinh phục thị trường và có cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế.

Sau nhiều năm, hàng hóa đi từ các nhà máy, xí nghiệp, công xưởng đến thị thành rồi mới đến nông thôn, việc giao lưu hàng hóa khu vực nông thôn thường kém nhộn nhịp, người dân nông thôn thường chỉ là đối tượng tiêu thụ. Nhưng những năm gần đây, “dòng chảy” về lưu thông hàng hóa có sự thay đổi khi người nông dân đã bắt tay vào việc sản xuất, tạo dựng thương hiệu và đưa hàng hóa “chảy ngược” đến những thành phố lớn.


Cam Sành Hàm Yên là sản phẩm OCOP được gắn sao.

Với lợi thế thiên nhiên ưu đãi, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm đã thực sự đánh thức những người nông dân Tuyên Quang. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt cho rằng, những sản phẩm OCOP của Tuyên Quang đa phần là những sản phẩm bước ra từ làng, tích lũy tinh hoa, bản sắc vùng, miền. Thêm vào đó, những sản phẩm này có sự tham gia của chính người dân, nên việc xây dựng thương hiệu, lên phương án sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại đều còn bỡ ngỡ. Thế nhưng, với sự giúp đỡ, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, của chính quyền địa phương, giờ đây người dân đã có thể làm được, tự mình đưa sản phẩm truyền thống của cộng đồng trở thành hàng hóa, bước ra thị trường.

Bà Ngô Thị Tuyết Nhung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 74 sản phẩm tham gia vào Chương trình OCOP. Sau hơn nửa năm chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục liên quan, các địa phương đã cơ bản lựa chọn được các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đặc thù, đánh giá, phân loại ngay từ cơ sở. Trong đợt đầu tiên đánh giá, sản phẩm chè Shan tuyết 1 tôm 1 lá của Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái (Na Hang) và cam sành Hàm Yên của Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên là 2 sản phẩm được đánh giá, chấm điểm 4 sao. 12 sản phẩm số điểm đạt tiêu chuẩn 3 sao, gồm: Chè Shan Khau Mút, Homestay Nặm Đíp, Homestay Nà Muông của huyện Lâm Bình; cá kho Mạnh Mẽ, chè Pà Thẻn Linh Phú, rượu nếp cất 2 lần Ông Chấp của huyện Chiêm Hóa; chè Shan Tuyết Hồng Thái loại 1 tôm 2 lá, chè Shan tuyết Việt Dũng Sinh Long, rượu ngô Na Hang Trung Phong, bún khô Đà Vị của huyện Na Hang và bưởi Đức Ninh, chè Tân Thái Dương 168 của huyện Hàm Yên.

Phó Giám đốc Hợp tác xã Sơn Trà Đặng Ngọc Phố phấn khởi, với ông nói riêng và với những người trồng chè Shan ở Hồng Thái nói chung, đây là cơ hội để sản phẩm quê ông chinh phục thị trường. Cùng với “cú huých” được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lựa chọn làm quà tặng tặng Thủ tướng Malaysia năm 2019, ông Phố kỳ vọng, Hợp tác xã sẽ tiếp tục đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất, để cùng với các chính sách hỗ trợ của tỉnh, đưa sản phẩm xuất khẩu và đạt chuẩn 5 sao trong những năm tiếp theo. 


Người dân xã Trung Yên (Sơn Dương) sản xuất chè sạch, tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm.

Tuy nhiên, theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Ngô Thị Tuyết Nhung, do các chủ thể sản xuất chủ yếu là hợp tác xã, hộ nông dân cá thể, nên việc hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục vẫn còn nhiều vướng mắc. Như sản phẩm Rượu thóc Khâm Sung Lâm Bình, sản phẩm đã đủ điều kiện để chấm điểm 3 sao, nhưng do chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, xác nhận tỷ lệ lao động địa phương, nguyên liệu địa phương và kế hoạch bảo vệ môi trường… Hay như sản phẩm Chè xanh Làng Bát của xã Tân Thành (Hàm Yên), mặc dù gia nhập thị trường tương đối sớm, cũng đã có tên tuổi nhất định trong “bản đồ chè” của tỉnh, nhưng việc chuẩn bị hồ sơ, thủ tục để chấm điểm sản phẩm chưa được chuẩn bị kỹ càng. Ngoài những thiếu sót như của sản phẩm rượu thóc Khâm Sung Lâm Bình, sản phẩm này chưa thống nhất tên gọi giữa hồ sơ với bao bì, chưa thống nhất sử dụng lô gô in trên tem truy xuất nguồn gốc. Đây cũng là vấn đề với sản phẩm bí thơm xanh Hồng Thái của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Tân Hợp, xã Hồng Thái.

Sản phẩm được gắn sao OCOP hiện nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông lâm nghiệp của tỉnh, từ Nghị quyết 09 của HĐND tỉnh sửa đổi Nghị quyết 12 về chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi; Nghị quyết 05 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã nông lâm nghiệp thủy sản, trong đó, nội dung hỗ trợ tập trung xây dựng nhãn hiệu, đăng ký chất lượng sản phẩm đến xúc tiến thương mại... Ngoài những sự hỗ trợ này, thì việc gắn sao cho các sản phẩm tham gia OCOP cũng tạo ra một cuộc đua ngầm giữa các địa phương, giữa chính các chủ thể sản xuất để không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng để tìm chỗ đứng trên thị trường.         

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục