Để chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp theo kịp thực tiễn

Cơ chế, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng được hoàn thiện, tạo đà cho nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh phát triển. Tuy nhiên, tính hiệu quả của các chính sách này vẫn khiến người nông dân băn khoăn, khi việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ không hề dễ dàng.

Mô hình sản xuất chè theo hướng hữu cơ tại thôn 3 Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên). 

Vẫn khó thực thi

Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ về giảm tổn thất sau thu hoạch có hiệu lực từ năm 2013, quy định các tổ chức, cá nhân có thể vay tối đa 100% giá trị hàng hóa để mua sắm các loại máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp... và được Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay trong hai năm đầu, 50% trong năm thứ ba. Đây được kỳ vọng là chính sách góp phần tăng cường chế biến sâu, chế biến tinh, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. 

Tuy nhiên, nông dân và doanh nghiệp được tiếp cận vốn tương đối ít, dẫn đến tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch còn cao, chất lượng bảo quản, chế biến nông sản, thủy sản chưa cao. Theo tổng hợp của Phòng Cơ điện và ngành nghề nông thôn, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, sau gần 10 năm, mới chỉ có 14 khách hàng được vay vốn với dư nợ gần 3 tỷ đồng. 

Ông Nhữ Văn Cân, xóm 3, xã Kim Phú (Yên Sơn) vừa mua 1 máy gặt đập liên hợp cũ trị giá 140 triệu đồng phục vụ gia đình và nhu cầu thu hoạch lúa của bà con trong xã. Vì không có đủ tiền, ông tính đến chuyện làm đơn vay vốn theo Quyết định 68. nhưng sau khi nghiên cứu thủ tục, được hướng dẫn phải mua máy mới 100%, ông quyết định không vay vốn ngân hàng nữa mà vay mượn từ anh em. Ông Cân không phải trường hợp duy nhất gặp vướng mắc khi có nhu cầu vay vốn theo Quyết định 68. 

Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, vướng mắc lớn nhất khi triển khai chính sách này là danh mục chủng loại máy, thiết bị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định được hưởng ưu đãi chưa đầy đủ, cụ thể cho nên ngân hàng khó xác định đối tượng hưởng. Một số cơ sở sản xuất máy nông nghiệp đáp ứng được nhu cầu của bà con nông dân nhưng không phải là doanh nghiệp cho nên không có hóa đơn giá trị gia tăng, không có giấy chứng minh máy thuộc danh mục quy định trong Quyết định 68. Hơn nữa, Quyết định 68 yêu cầu người vay phải mua máy mới 100%. 

Tháng 7-2017, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 02 về chính sách khuyến khích tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn trên địa bàn tỉnh, cũng nhằm mục tiêu giảm tổn thất trong sản xuất, thu hoạch.

Tuy nhiên, sau gần 2 năm Nghị quyết 02 có hiệu lực, đến thời điểm này vẫn chưa có người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã nào được vay vốn. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, nguyên nhân khiến việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ Nghị quyết 02 còn hạn chế là do có nhiều diện tích cây cam, chè, mía manh mún, nhỏ lẻ không đủ điều kiện vay vốn (điều kiện được hỗ trợ đối với cây cam, chè là phải từ 1 ha trở lên, với cây mía là từ 3 ha trở lên). Những hộ có diện tích canh tác đáp ứng điều kiện hỗ trợ thì đã có dư nợ trong các chi nhánh ngân hàng hoặc đã được hỗ trợ khác nên không đủ điều kiện được hỗ trợ theo quy định. Ngoài ra, nhiều diện tích cam, chè hầu hết được canh tác ở những khu vực có địa hình dốc, không có nguồn nước chủ động và hệ thống đường điện thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.


Sau nhiều chính sách hỗ trợ, đã hình thành chuỗi liên kết chăn nuôi trâu hàng hóa. 
Trong ảnh: Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra mô hình chăn nuôi trâu nhốt chuồng vỗ béo của gia đình anh Đặng Văn Lâm, thôn Nà Cọn, xã Thổ Bình (Lâm Bình).

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh, tổng diện tích cây trồng cạn trên địa bàn tỉnh hiện có 38.089 ha, trong đó cây cam là 8.363 ha, cây chè là 8.427 ha, cây mía là 8.029 ha, còn lại là các loại cây trồng cạn khác. Trong số này,  diện tích cây trồng cạn ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước còn tương đối hạn chế, chỉ có 53,96 ha. Nguyên nhân là do chi phí đầu tư ban đầu đối với hệ thống thiết bị tưới lớn, trung bình từ 60 - 70 triệu đồng/ha, trong khi sức cạnh tranh của các sản phẩm từ cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh chưa cao, giá trị sản phẩm/đơn vị diện tích còn thấp; giá cả, thị trường tiêu thụ không ổn định dẫn đến người dân chưa thực sự yên tâm, mạnh dạn đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. 

Không riêng Quyết định 68 hay Nghị quyết 02, nhiều chính sách hỗ trợ tín dụng cho nông nghiệp vẫn khó khả thi, số người được tiếp cận nguồn vốn không nhiều. Thực hiện Nghị định 55 của Chính phủ, hiện mới giải ngân được trên 7,4 tỷ đồng cho 58 khách hàng; Nghị quyết 05 của HĐND tỉnh hiện mới chỉ giải ngân được 3,6 tỷ đồng cho 5 hợp tác xã. Thậm chí nhiều chính sách, dư nợ tín dụng hiện vẫn bằng không như Nghị quyết 30 của Chính phủ về cho vay nông nghiệp công nghiệp công nghệ cao.

Để chính sách vào cuộc sống

Nghị quyết 10/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại và Nghị quyết 12/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh hiện là một trong những chính sách hỗ trợ tín dụng cho nông nghiệp đạt hiệu quả cao nhất trên địa bàn tỉnh. Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước tỉnh, tính đến hết tháng 3-2019, dư nợ tín dụng đã giải ngân cho Nghị quyết 10 là 87,7 tỷ đồng, cho trên 300 lượt khách hàng có dư nợ; Nghị quyết 12 là 143,9 tỷ đồng, với trên 3 nghìn khách hàng có dư nợ. 

Tuy nhiên, qua quá trình triển khai, vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp. Bà Khánh Thị Xuyến, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách, HĐND tỉnh cho rằng, qua nhiều lần giám sát, kiểm tra thực tế đã phát sinh một số vấn đề không phù hợp và đang được nghiên cứu điều chỉnh, thay đổi. Theo bà Xuyến, tại thời điểm ban hành, Nghị quyết 12/2014/NQ-HĐND đã thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng, phù hợp với tình hình phát triển cây trồng, vật nuôi, sản xuất hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Qua gần 6 năm thi hành, Nghị quyết đã góp phần không nhỏ thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhiều mục đã không theo kịp thực tế.

Như trước đây chỉ quy định mức hỗ trợ lãi suất cho 3 cây, 2 con, nhưng hiện nay cơ quan soạn thảo đang đề xuất mở rộng ra các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp để hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, đăng ký chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; hay tới đây sẽ hỗ trợ chi phí đánh giá và cấp giấy chứng nhận nuôi cá lồng đặc sản trên sông, hồ thủy điện theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ chi phí đánh giá và cấp giấy chứng nhận nuôi cá đặc sản tại ao, hồ nhỏ theo tiêu chuẩn VietGAP thay vì chỉ hỗ trợ “đầu tư nuôi cá đặc sản bằng lồng trên sông, hồ thủy điện, hồ thủy lợi; đầu tư nuôi cá đặc sản bằng lồng trên sông, hồ thủy điện theo tiêu chuẩn VietGAP; đầu tư nuôi cá đặc sản tại ao, hồ nhỏ theo tiêu chuẩn VietGAP” như trước đây. 

Mặt khác, theo bà Khánh Thị Xuyến, hiện nay trên địa bàn tỉnh ngoài Nghị quyết số 12/2014/NQ-HĐND còn rất nhiều văn bản khác quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ 3 cây, 2 con trùng đối tượng nhưng định mức, điều kiện hỗ trợ khác nhau, không thống nhất. Hiện cơ quan soạn thảo là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát lại toàn bộ Nghị quyết 12 và các văn bản khác để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các nội dung không phù hợp, chưa hợp lý, chưa thống nhất. Đồng thời, tiếp tục rà soát các chính sách có liên quan đến các loại cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh để tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thay thế bằng một nghị quyết thống nhất áp dụng cho giai đoạn tiếp theo.

Để các chính sách tín dụng hỗ trợ sản xuất nông nghiệp thực sự đi vào cuộc sống, Ngân hàng Nhà nước tỉnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay nông nghiệp nông thôn nói chung và tích cực triển khai các chương trình tín dụng đặc thù, nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng để tăng cường khả năng cho vay, nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân.

Theo báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục