Chủ trương phù hợp, nông thôn đổi mới

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được coi là cuộc cách mạng trong thời kỳ đổi mới, được nhân dân đồng lòng thực hiện. Tại Tuyên Quang, thành quả của chương trình này đã tác động tới toàn bộ sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.

Khu sản xuất rau thủy canh công nghệ cao của Công ty TNHH Greenfarm Sơn Dương.

Chính sách kịp thời, phù hợp

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã ban hành các cơ chế chính sách, văn bản cụ thể và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; hướng dẫn chi tiết để người dân chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Ngày 23-11-2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020. HĐND tỉnh đã ban hành 11 nghị quyết về chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. UBND tỉnh đã ban hành các quyết định về chính sách bảo vệ môi trường nông thôn, các Đề án đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Tuyên Quang có xuất phát điểm thấp, do đó lãnh đạo tỉnh đã xác định xây dựng nông thôn mới theo phương châm thiết thực, không chạy theo thành tích, phát huy nội lực của nhân dân; thực hiện đồng bộ các tiêu chí của tất cả các xã, trong đó tập trung tại một số xã điểm; thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án. Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã thành lập các đoàn công tác cử cán bộ xuống các xã đăng ký xây dựng nông thôn mới để theo dõi, đôn đốc, tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện tại các xã để có biện pháp khắc phục những hạn chế, tháo gỡ khó khăn đối với từng tiêu chí. Nhờ đó, hết tháng 6 - 2019, toàn tỉnh có 30/129 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân tiêu chí/xã đạt 13,4 tiêu chí (tăng 10,6 tiêu chí so với năm 2011 và tăng 3,4 tiêu chí so với năm 2015). Dự kiến đến hết năm nay, Tuyên Quang có thêm 6 xã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 36/129 xã, bình quân tiêu chí/xã đạt 14 tiêu chí (hoàn thành  sớm hơn 1 năm so với mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao).

Nông thôn đổi mới

Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, diện mạo nhiều vùng quê của Tuyên Quang đã có những thay đổi, đặc biệt là khát vọng vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trong nhân dân.

Từ một xã có mức thu nhập bình quân đầu người 7 triệu đồng/người/năm, sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) đã đạt mức thu nhập trên 30 triệu đồng/người/năm. Ông Quan Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định, Thượng Lâm không chỉ được đầu tư đồng bộ về hạ tầng giao thông, sản xuất nông nghiệp, các dịch vụ y tế, giáo dục… mà cái được lớn nhất chính là tư duy của người nông dân. Năm 2016, Thượng Lâm được huyện lựa chọn và đầu tư cho 6 hộ gia đình tại 2 thôn Nà Tông và Nà Đông xây dựng mô hình du lịch cộng đồng homestay. Sau 3 năm, trên địa bàn xã đã có 11 hộ gia đình đầu tư vào làm du lịch cộng đồng.  

Được công nhận về đích nông thôn mới năm 2015, giờ người dân xã Kim Bình (Chiêm Hóa) đang nỗ lực thi đua lao động giỏi để chung tay duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Các hộ dân trong xã đã phát huy lợi thế đất đai phát triển các vùng chuyên canh cây trồng mang lại hiệu quả như trồng gần 450 ha chuối tây, bí ngô, bí xanh. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 33 triệu đồng/năm. Chị Nguyễn Huyền Trang, thôn Đồng Cột hiện đang tập trung phát triển sản phẩm chuối tây sấy dẻo của gia đình. Chị Trang chia sẻ, nông thôn mới đã hoàn thành, mình cũng phải thay đổi tư duy, chị và một số hộ gia đình đã phát triển thêm một số sản phẩm từ chuối tây.

Kim Bình là địa phương nổi tiếng với sản phẩm chuối tây, nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ có Rượu chuối Kim Bình được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu độc quyền. Không muốn lãng phí nguồn nguyên liệu dồi dào, chị Trang đã thử chọn lọc chuối chín, ngon để sấy thử một vài mẻ, bán quanh khu vực. Nhận thấy sản phẩm có tiềm năng khi đưa ra thị trường, chị Trang cùng gia đình đầu tư xây dựng lò sấy bằng củi cách nhiệt. Hiện lò sấy của gia đình chị Trang có công suất 50 khay, mỗi khay khoảng 2 kg. Giá bán hiện tại là 80 nghìn đồng/kg. 

Từ xây dựng nông thôn mới, diện mạo nhiều vùng quê ở Tuyên Quang đã có sự thay đổi nhanh chóng. Tỉnh đã hoàn thành xây dựng 3.890 km đường giao thông nông thôn; xây dựng 316 công trình thủy lợi, 900 km kênh mương, nâng tỷ lệ kênh kiên cố hóa đạt 73,74%, đảm bảo tưới chủ động 96% diện tích. Có 964 công trình trường học các cấp (trường học, phòng học và công trình phụ trợ) được xây dựng, trang cấp thiết bị cho 108 điểm trường các cấp; hoàn thành xây dựng 1.218 công trình văn hóa, với 50/129 xã có nhà văn hóa và sân thể thao đạt chuẩn, 1.281/1.790 thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn. Có 59/97 chợ nông thôn được xây mới, sửa chữa, nâng cấp theo quy hoạch. Hệ thống siêu thị mini, cửa hàng kinh doanh tiện lợi, cửa hàng tổng hợp hiện đại ngày một phát triển. Toàn tỉnh có trên 10.000 căn nhà được xây dựng, chỉnh trang đạt chuẩn theo quy định. Tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới đạt 98,43%. Tỷ lệ hộ nghèo hết năm 2018 còn 15,38%, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt khoảng 28,4 triệu đồng/người/năm...

Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2019 là 14.729,6 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ là 853,1 tỷ đồng, ngân sách địa phương đã bố trí 1.181,4 tỷ đồng, còn lại từ các nguồn vốn hợp pháp. Đặc biệt, tại các địa phương nhân dân chủ động tham gia đóng góp hàng triệu ngày công, hàng nghìn mét vuông đất, nguyên vật liệu và gần 1.300 tỷ đồng, tạo ra nguồn lực to lớn để hoàn thành các mục tiêu của Chương trình. 

Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết: Quan điểm của tỉnh là xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tiếp, không dừng lại. Sau nông thôn mới, Tuyên Quang đã ban hành bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao và bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Tỉnh đã lựa chọn 2 xã xây dựng nông thôn mới nâng cao là Mỹ Bằng (Yên Sơn) và Tràng Đà (TP Tuyên Quang); 2 xã Kim Quan và Thái Bình (Yên Sơn) được lựa chọn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. 

Giai đoạn 2021 - 2025, ngoài mục tiêu thành phố Tuyên Quang hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới, tỉnh phấn đấu có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 57% số xã (tương đương 72 xã) đạt chuẩn nông thôn mới; không có xã dưới 10 tiêu chí. Đồng thời, nâng cao chất lượng tiêu chí tại 41 xã đã đạt chuẩn; phấn đấu có từ 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Các công trình hạ tầng thiết yếu (giao thông, điện, nước, trường học, trạm y tế) đảm bảo tính kết nối, liên thông và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân năm 2025 tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.                     

Theo báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục