Chủ động, tích cực để có quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân

Trong nhiệm kỳ 2016-2020, Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang khóa XVIII đã có nhiều đổi mới trên các mặt công tác, trong đó chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp và thực hiện tốt chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nhằm hiện thực mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc.

Trước mỗi kỳ họp HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh chủ trì làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát các nội dung, xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trên cơ sở đó họp thống nhất với các cơ quan có liên quan để phân công chuẩn bị nội dung của kỳ họp; quy định rõ thời gian hoàn thành và đôn đốc các cơ quan, đơn vị chuẩn bị bảo đảm quy trình, thủ tục hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật. Chương trình kỳ họp được bố trí hợp lý, khoa học, linh hoạt, việc điều hành kỳ họp có nhiều sáng tạo, đổi mới, bảo đảm đúng luật, hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ thiết thực hoạt động của các đại biểu theo tinh thần kỳ họp không văn bản giấy; giảm thời gian trình bày báo cáo, tờ trình, dành thời gian thảo luận, thẩm tra, chất vấn. Đối với thành phần tham dự kỳ họp, ngoài những đại biểu được quy định tại Điều 81, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, khách mời kỳ họp còn được mở rộng đến Thường trực HĐND các xã, phường, thị trấn, đại diện cử tri thôn, tổ dân phố và giảng viên, sinh viên đại học, đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ngân hàng…Đây là dịp để Thường trực HĐND cấp xã nắm bắt kịp thời chủ trương, chính sách của tỉnh, những nội dung của các nghị quyết mới để triển khai thực hiện tại cơ sở đồng thời là cơ hội để cấp xã được học tập kinh nghiệm trong tổ chức điều hành nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của kỳ họp.


Cử tri xã Hồng Thái (Na Hang) theo dõi kỳ họp HĐND tỉnh được tường thuật trực tiếp trên Đài phát thanh và truyền hình tỉnh

Thông qua việc tổ chức các kỳ họp, Hội đồng nhân dân tỉnh luôn quan tâm đổi mới, chú trọng bám sát các mục tiêu, định hướng của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nắm bắt, phân tích tình hình thực tế để quyết định “đúng”, “trúng” các cơ chế chính sách để thực hiện các mục tiêu quan trọng của địa phương. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, qua 12 kỳ họp (05 kỳ bất thường) đã ban hành 199 nghị quyết bảo đảm trình tự, thủ tục theo quy định nhằm thực hiện các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp về kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều nghị quyết về cơ chế chính sách được HĐND tỉnh ban hành trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn như: Nghị quyết quy định về hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao, khuôn viên và một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, Nghị quyết của HĐND đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; qua 5 năm thực hiện nghị quyết, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã tự nguyện đóng góp tiền, ngày công, vật liệu… với tổng số kinh phí gần 440 tỷ đồng để thực hiện kiên cố hóa hơn 944km kênh mương, bê tông hóa hơn 470 km đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng 550 nhà văn hóa thôn, bản tổ nhân dân… làm thay đổi cơ bản diện mạo của nông thôn trên địa bàn tỉnh, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh địa phương.


Các đại biểu thảo luận bên lề kỳ họp HĐND tỉnh

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về thẩm quyền quyết định các vấn đề quan trọng của Hội đồng nhân dân và Thường trực HĐND tỉnh luôn có những điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung và thay thế. Trước yêu cầu đó, Thường trực HĐND tỉnh đã chủ động nghiên cứu văn bản mới của Trung ương và đồng hành với UBND tỉnh để thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc đang là nút thắt trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, khi một số thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh liên quan đến việc cho ý kiến quyết định chủ trương đầu tư một số công trình dự án bị bãi bỏ, dẫn đến tiến độ triển khai một số công trình, dự án trên địa bàn tỉnh chậm, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Khi Luật Đầu tư công năm 2019 có hiệu lực thi hành, Thường trực HĐND tỉnh đã chủ động nghiên cứu các quy định pháp luật mới để tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm rút ngắn thủ tục hành chính đang là rào cản cho phát triển kinh tế - xã hội. Thường trực HĐND tỉnh đã quyết định tổ chức kỳ họp bất thường vào tháng 4/2020 để ban hành nghị quyết giao UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm C có tổng mức đầu tư dưới 45 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư xây dựng và các công trình đã được giao dự toán năm 2020; bổ sung kịp thời các công trình, dự án, nguồn vốn thực hiện đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020... Đây là một quyết định rất quan trọng, đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác quản lý nhà nước về đầu tư công của tỉnh đồng thời đảm bảo quyền lực nhà nước được giao của HĐND tỉnh, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình, dự án, tăng hiệu quả đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

Tính chủ động trong việc ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh được thể hiện thông qua việc Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu các Ban của HĐND tỉnh tích cực tìm hiểu, cập nhật những văn bản mới của Trung ương để kịp thời có ý kiến với các cấp, các ngành tham mưu xây dựng nghị quyết áp dụng và triển khai chế độ, chính sách mới theo hướng dẫn của Trung ương và phù hợp điều kiện thực tiễn địa phương. Điển hình như: Nghị quyết quy định một số chính sách khuyến khích phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; quy định mức chi và việc sử dụng kinh phí thực hiện chế độ dinh dưỡng đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; quy định mức quà tặng chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang…

Bên cạnh đó, Thường trực HĐND tỉnh thực hiện vai trò chỉ đạo, điều hòa hoạt động các Ban HĐND tỉnh chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra  nhằm phát huy năng lực, trí tuệ của đại biểu HĐND tỉnh. Các Ban của HĐND tỉnh liên tục cải tiến phương thức làm việc, tập trung trí tuệ, phát huy năng lực, chuyên môn của thành viên trong Ban để đồng hành cùng với cơ quan chủ trì soạn thảo nghị quyết, báo cáo ngay từ cuộc họp của UBND tỉnh tới cuộc họp Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.


Quang cảnh cuộc họp thẩm tra các báo cáo và dự thảo nghị quyết trình kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVIII

Tại hội nghị thẩm tra, sau khi đại diện cơ quan, tổ chức trình dự thảo nghị quyết, báo cáo… cùng với việc lắng nghe các ý kiến của cơ quan hữu quan, thành viên của các Ban tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá sự phù hợp của dự thảo báo cáo, tờ trình, nghị quyết,... với chủ trương đường lối của Đảng, các quy định của pháp luật hiện hành gắn với điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh; các ý kiến tham gia nêu rõ những bất cập, vướng mắc trong dự thảo nghị quyết đồng thời tiên lượng, dự báo trước những khó khăn khi triển khai thực hiện nghị quyết. Qua đó, cơ quan chủ trì xây dựng và trình dự thảo nghị quyết phải giải trình, báo cáo thêm về tính khả thi, làm rõ những nội dung còn nhiều ý kiến quan điểm khác nhau trong báo cáo, dự thảo nghị quyết. Cá biệt có hội nghị thẩm tra cơ quan tham mưu trình dự thảo nghị quyết không báo cáo, giải trình được các vấn đề mà thành viên của Ban đề cập như căn cứ pháp lý, tính thực tiễn trong xây dựng nghị quyết, do đó, các Ban của HĐND tỉnh đã yêu cầu cơ quan, đơn vị đó chuẩn bị lại dự thảo nghị quyết để tổ chức thẩm tra. Báo cáo thẩm tra của các Ban của HĐND tỉnh nêu và trình bày những vấn đề cốt lõi, có tính nổi bật và tầm ảnh hưởng trên phạm vi toàn tỉnh, thể hiện rõ chính kiến, nhận định trên cơ sở pháp lý và tình hình thực tiễn của địa phương. Với tinh thần báo cáo thẩm tra không nhắc lại nhiều ưu điểm, làm rõ tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đưa ra những phương án hiệu quả về những nội dung còn thiếu tính khả thi hoặc chưa thống nhất. Với việc đổi mới phương thức thẩm tra một cách rõ rệt như vậy, chất lượng hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh đều được đại biểu HĐND tỉnh đánh giá cao, thẩm tra đúng quy định, cẩn trọng, kỹ lưỡng, chặt chẽ; đa số các báo cáo thẩm tra đều là căn cứ tin cậy, mang tính gợi mở để đại biểu HĐND tỉnh có thêm kênh thông tin thảo luận và quyết định trước khi biểu quyết.

Việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương đã khẳng định vị thế, vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, bình quân đạt 8,18%/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp - xây dựng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được cải thiện và nâng cao chất lượng, diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng đổi mới; cải cách hành chính có bước chuyển biến, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh tiếp tục được cải thiện; giáo dục và đào tạo, văn hóa xã hội, y tế tiếp tục phát triển; an sinh xã hội được quan tâm; quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Kết quả đó tạo thế và lực mới để tỉnh Tuyên Quang hiện thực mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc.

Phạm Thị Minh Xuân
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh

Tin cùng chuyên mục