Tháng 5 của những năm Bác Hồ ở Tuyên Quang trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược

Tháng 9/1945, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta. Tháng 12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, một lần nữa Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại Tuyên Quang để lãnh đạo toàn dân kháng chiến, kiến quốc. Ngày 02/4/1947 Người về đến làng Sảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương. Tuyên Quang - Thủ đô Khu giải phóng năm 1945 nay trở thành Thủ đô kháng chiến, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận và hầu hết các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương đặt trụ sở làm việc, lãnh đạo cuộc kháng chiến của dân tộc ta giành thắng lợi cuối cùng bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Gần 6 năm Bác sống, làm việc ở nhiều địa điểm khác nhau tại Tuyên Quang, vùng đất lịch sử Tuyên Quang - Thủ đô kháng chiến được chứng kiến nhiều hoạt động quan trọng và mãi khắc ghi sâu đậm hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020), xin được giới thiệu một số hoạt động của Người diễn ra trong Tháng 5 của những năm ấy.


Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Hội đồng Chính phủ, Ban Thường trực Quốc hội tại chân đèo De, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương

Tháng 5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại làng Sảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương. Tại đây, giương cao ngọn cờ hòa bình, Người đã tiếp tục có nhiều hoạt động ngoại giao, kiên trì tìm kiếm khả năng đàm phán hòa bình. Trước ngày 10/5/1947, Người trả lời phỏng vấn của phóng viên báo L.Humanité Rơnê Lécmitơ (René L Hermite), Người nói "Tôi hoàn toàn tin rằng đình chiến là điều có thể thực hiện được...Chúng tôi khao khát hòa bình và chúng tôi sẵn sàng hòa bình. Chỉ còn tùy thuộc vào quyết tâm của Chính phủ Pháp mà thôi". Ngày 12/5/1947, Người đến thị xã Thái Nguyên gặp PônMuýt, đại diện của Cao uỷ Pháp ở Đông Dương vào lúc 22h để trao đổi về điều kiện ngừng bắn của hai phía Việt-Pháp. Đáng tiếc, phía Pháp đã không có thái độ hợp tác. Trước dã tâm xâm lược, thái độ ngạo mạn, áp đặt ngang ngược của thực dân Pháp, Người kiên quyết bác bỏ những diều kiện của phía Pháp đòi Việt Nam phải đầu hàng. Chiến tranh tiếp tục lan rộng, mất mát của cả hai dân tộc Việt Nam và Pháp ngày càng nhiều hơn, lỗi đó chính là từ sự khước từ hòa bình của phía Pháp. Đó là điều Bác và dân tộc Việt Nam cùng những người yêu chuộng hòa bình không muốn.

 Ngày 15/5/1947, Người chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ bàn về vấn đề ngoại giao với Pháp; nghe báo cáo của Bộ Quốc phòng về tình hình các mặt trận. Cũng trong tháng 5/1947, Bác đã trả lời 11 câu hỏi của Vaxiđép Rao (Vaxidev Rao) - thông tín viên hãng Reuters, nêu nhiều vấn đề liên quan đến cuộc chiến ở Việt Nam, tỏ rõ lập trường, quan điểm của Chính phủ, nhân dân Việt Nam trong vấn đề thống nhất và độc lập, vấn đề hòa bình ở Việt Nam và mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước Châu Á và thế giới.

Ngày 19/5/1947, chào mừng ngày sinh của Bác, các đồng chí phục vụ chuẩn bị một bó hoa rừng mang đến chúc thọ Người. Nhận bó hoa từ tay các đồng chí, Người rất xúc động và đề nghị dành những bông hoa đó đi viếng mộ đồng chí Lộc (người được phân công lo việc ăn uống cho Chủ tịch Hồ Chí Minh) vừa mới mất trước đó ít ngày vì bệnh sốt rét.


Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Lán Hang Bòng, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương

Tháng 5/1949 Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại Khấu Lấu - Vực Hồ, thôn Bòng, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương. Ngày 01/5/1949, Người gửi thư cho anh chị em lao động toàn quốc, biểu dương những đóng góp to lớn của công nhân Việt Nam trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Ngày 06/5/1949, Người chủ trì Hội nghị Trung ương mở rộng để thảo luận các đề án chính trị, chính quyền, kinh tế ..., chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II. Ngày 09 và ngày 10/5/1950, Người dự Hội nghị Trung ương chuẩn bị cho Đại hội lần thứ II của Đảng, đề cập đến việc đổi tên Đảng và soạn thảo "Đảng cương", chuẩn bị cho Đảng ra hoạt động công khai.

Ngày 16 đến ngày 30/5/1949 Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại Bản Chương, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn. Tại đây ngày 17/5/1949, Người gửi thư cho đồng bào Việt Bắc. Trước ngày 19/5/1949, trả lời đề nghị của một số cán bộ về việc tổ chức kỷ niệm ngày sinh của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài thơ Không đề:                

“Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà

Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già

Chờ cho kháng chiến thành công đã

Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta".

Ngày 30/5/1949, Người viết bài "Thế nào là CẦN" đăng báo Cứu Quốc. Sau lời khẳng định:

"Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông

Đất có bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc

Người có bốn đức; Cần, Kiệm, Liêm, Chính

Thiếu một mùa thì không thành trời

Thiếu một phương thì không thành đất

Thiếu một đức thì không thành người”.

Người phân tích nội dung chữ CẦN, mối quan hệ giữa CẦN và CHUYÊN, giữa siêng năng với kế hoạch, chỉ rõ lười biếng là kẻ thù của cần; nêu lên những kết quả to lớn nếu từng người, từng nhà và cả nước thực hiện được chữ CẦN. Bác giải thích rõ: “Cần tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai.” Bác nhấn mạnh: “Người siêng năng thì mau tiến bộ. Cả nhà siêng năng thì chắc ấm no. Cả làng siêng năng thì làng phồn thịnh. Cả nước siêng năng thì nước mạnh giàu”. “Muốn cho chữ Cần có nhiều kết quả hơn, thì phải có kế hoạch cho mọi công việc. Nghĩa là phải tính toán cẩn thận, sắp đặt gọn gàng…Vì vậy, siêng năng và kế hoạch phải đi đôi với nhau”. “Lười biếng là kẻ địch của chữ cần... Vì vậy, lười biếng cũng là kẻ địch của dân tộc. Do vậy, người lười biếng là có tội với đồng bào, với Tổ quốc”. 


 

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp sau phiên họp Hội đồng Chính phủ tại chân đèo De, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương

Tháng 5/1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh ở, làm việc tại Vực Hồ, thôn Bòng, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương. Kỷ niệm 60 năm Ngày sinh của Bác, trước ngày 19/5/1950, trong một cuộc họp cán bộ các cơ quan Trung ương ở Thác Dẫng (xã Bình Yên, huyện Sơn Dương), mọi người chúc thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người cảm ơn và đáp lại bằng bài thơ:

"Sáu mươi tuổi vẫn còn xuân chán

So với ông Bành vẫn thiếu niên

Ăn khoẻ, ngủ ngon, làm việc khoẻ

Trần mà như thế kém gì tiên".

Tháng 5/1951 Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại Lán Hang Bòng, thôn Bòng, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương. Ngày 04/5/1951, Người dự Hội nghị Bộ Chính trị bàn về vấn đề quân sự và ngân sách kháng chiến. Ngày 13 đến ngày 15/5/1951, Người dự Hội nghị lần thứ nhất BCH Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Sau khi nghe báo cáo về hoạt động kinh tế tài chính, Người nhấn mạnh: Trong điều kiện ta đang tiến hành kháng chiến, người ăn nhiều, người làm ít nên rất khó khăn. Vậy chiến tranh và sản xuất cũng phải đi đôi cùng phát triển. Ta phải tổ chức lãnh đạo làm sao để tài chính đảm bảo được yêu cầu của cuộc kháng chiến đến thắng lợi. Ngày 20/5/1951, Người viết bài Tự phê bình đăng báo Nhân dân, mở đầu bài báo Người viết: 

"Dao có mài mới sắc

Vàng có thui, mới trong

Nước có lọc, mới sạch

Người có tự phê bình mới tiến bộ"

Người khẳng định Đảng cũng thế và giải thích: "Tự phê bình là gì ", "tự phê bình phải thế nào" rồi chỉ rõ rằng "Đảng đòi hỏi đảng viên và yêu cầu đồng bào thật thà tự phê bình, kiên quyết sửa chữa khuyết điểm, để cùng nhau tiến bộ, để làm cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc mau thành công".

Tháng 5/1952 Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại Lán Hang Bòng, thôn Bòng, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương. Ngày 01/5/1952, Người đến dự, nói chuyện với Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại chính Hội trường Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, ở thôn Phú An, xã Kim Bình, huyện Chiêm Hoá. Người phân tích mục đích, nội dung ý nghĩa, cách thức của thi đua yêu nước và chỉ rõ: Thi đua là đoàn kết, là yêu nước, là tinh thần quốc tế, góp sức giữ gìn hoà bình và dân chủ thế giới, là cải tạo con người. Đẩy mạnh phong trào thi đua nhằm thực hiện khẩu hiệu:

"Người người thi đua

Ngành ngành thi đua

Ta nhất định thắng

Địch nhất định thua".

Ngày 11/5/1952, Người dự khai giảng lớp chỉnh huấn đầu tiên của Trung ương. Nói chuyện với các học viên, Người nêu rõ mục đích của chỉnh Đảng là "Nâng cao tư tưởng và trình độ chính trị của đảng viên và cán bộ, làm cho đảng viên và cán bộ theo đúng quan điểm về  lập trường vô sản" và nhấn mạnh "Là một đảng lãnh đạo, Đảng ta cần phải mạnh mẽ, trong sạch, kiểu mẫu. Toàn Đảng phải tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, đoàn kết nhất trí mới làm trọn nhiệm vụ của Đảng". Người căn dặn mọi người phải thành khẩn học tập, thật thà tự phê bình và phê bình, trau dồi thêm kinh nghiệm và đạo đức cách mạng vì "cán bộ quyết định mọi việc, các đồng chí đều là cán bộ cao cấp, đều giữ những trách nhiệm quan trọng. Công việc thành hay bại một phần lớn là do nơi tư tưởng đạo đức, thái độ và lề lối làm việc của các đồng chí".

Cũng trong tháng 5/1952, Người viết bài Cách xem xét việc đời và cách tu dưỡng của Người cách mạng. Người nhắc nhở đảng viên "rèn luyện và tu dưỡng chẳng những rất quan trọng cho những đảng viên mới và không phải gốc vô sản mà còn cần cho những đảng viên cũ và những đảng viên gốc vô sản vì đảng ta từ trong xã hội mà sinh ra. Vì vậy, mỗi đảng viên đều có ít nhiều vết tích về tư tưởng và tập quán của xã hội cũ, thường đụng chạm với những cái không tốt của xã hội cũ ...nên đảng viên cần phải rèn luyện và tu dưỡng về mọi mặt". 


Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ tại hầm an toàn của Trung ương Đảng, thôn Khuổn Điển, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn

Từ đầu năm đến tháng 8/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở, làm việc tại thôn Khuôn Điển, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn. Tại đây, Người đã chủ trì nhiều phiên họp của Bộ Chính trị, Hội đồng Chính phủ, lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta giành thắng lợi trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn.

Ngày 01/01/1954, Người dự họp Bộ Chính trị chỉ định cơ quan lãnh đạo chỉ huy chiến dịch, triển khai kế hoạch điều động lực lượng lên Tây Bắc. Khi trao nhiệm vụ cho Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Người nói "Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh".

Ngày 14/3/1954, Người gửi thư cho cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ, chỉ rõ nhiệm vụ trong chiến dịch này là "rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang" và tin tưởng rằng cán bộ và chiến sĩ ta sẽ "Phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới ".

Tháng 5/1954, Tại cuộc họp Bộ Chính trị bàn về chủ trương đàm phán ở Hội nghị Giơnevơ, Người nói "Hiện nay súng ở trên mặt trận bắn càng nhiều, càng trúng địch chừng nào thì trên bàn họp Giơnevơ ta lại càng thêm lợi thế chừng ấy. Giải quyết vấn đề theo nguyên tắc có lợi cho ta và địch có thể thừa nhận, nhưng trước hết là có lợi cho ta. Giải quyết vấn đề là phải có quan điểm toàn cục. Trong hội nghị Giơnevơ ít nhất phải tranh thủ được thắng lợi chính trị".

Ngày 15/7/1954, tại Hội nghị lần thứ 6 (mở rộng) Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Người đã đọc bản báo cáo quan trọng gồm 2 phần Tình hình mới và Nhiệm vụ mới. Người khẳng định: "Mỹ là kẻ thù chính của hoà bình thế giới, ta phải tập trung lực lượng chống đế quốc Mỹ" "Mỹ đang biến thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Việt-Miên-Lào" Người nhấn mạnh: Trước tình hình mới hiện nay, ta không thể giữ cương lĩnh cũ. Trước kia khẩu hiệu của ta là "Kháng chiến đến cùng". Nay vì tình hình mới, ta cần nêu khẩu hiệu mới là "Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ" ..."Bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh ta cũng phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, phải chuẩn bị trước". Trong báo cáo, Người cũng đề ra ba nhiệm vụ, 10 công tác và vấn đề điều chỉnh khu vực Pháp rút quân, đề phòng tư tưởng "tả" hoặc "hữu khuynh" có thể nảy sinh.

Ngày 22/7/1954, Người ra Lời kêu gọi đồng bào, chiến sĩ và cán bộ toàn quốc sau khi Hội nghị Giơnevơ thành công. Người chỉ rõ những nguyên nhân thắng lợi và nêu quyết tâm cho toàn dân tộc là "chúng ta phải ra sức đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc". Về việc thực hiện Hiệp định Giơnevơ, Người nhấn mạnh việc điều chỉnh khu vực chỉ là tạm thời và khẳng định "Chúng ta quyết làm đúng những điều đã ký kết với Chính phủ Pháp, đồng thời chúng ta đòi Chính phủ Pháp phải làm đúng những điều họ đã ký kết với ta".

Tháng 8/1954, từ đây Người lên đường trở về Thủ đô Hà Nội.

Những hoạt động trong Tháng 5 nêu trên chỉ là một phần rất nhỏ trong các hoạt động của Bác khi Người ở, làm việc tại Tuyên Quang để lãnh đạo kháng chiến thành công. Song cũng giúp chúng ta hiểu hơn về tư tưởng vĩ đại của Bác, một con người vĩ đại luôn hết mình vì nước, vì dân, kiên quyết chiến đấu vì độc lập, tự do cho dân tộc cùng một phương pháp cách mạng đúng đắn để tập hợp mọi giai cấp, tầng lớp vào phong trào thi đua kháng chiến, kiến quốc; một lãnh tụ vĩ đại nhưng sống giản dị, thanh tao cùng một phong cách, phương pháp, tác phong làm việc khoa học, thiết thực, hiệu quả. Ở đó chúng ta cũng thấy khát vọng hòa bình luôn hiện hữu, cháy bỏng trong suy nghĩ, hành động của Bác. Đồng thời, ta thấy hiểu hơn về tư tưởng, sự nêu gương của Bác trong thực hành đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Những Tháng 5 ấy cũng nhắc nhở chúng ta cần hiểu, nắm chắc và thực hiện tốt hơn tư tưởng của Bác về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; về quan hệ ngoại giao; về cách kiến thiết đất nước để mang lại cơm no, áo ấm, hạnh phúc cho nhân dân…  Những Tháng 5 ấy cũng làm ta càng thêm da diết nhớ, tự hào về Bác - Người cha già của dân tộc, suốt đời vì dân, vì nước “Chỉ biết quên mình cho hết thảy; như dòng sông chảy nặng phù sa”. Nhiều năm đã trôi qua, những bài viết, hoạt động ấy của Bác vẫn luôn mới và còn đang đầy tính thời sự trong cuộc sống hôm nay, thúc đẩy chúng ta tiếp tục nghiên cứu để học tập và làm theo.

PVL

Tin cùng chuyên mục