Ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV
Cử tri Xã Yên Lập, huyện Chiêm Hóa đề nghị:

Hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhân dân trong thôn chuyển đổi đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp để lấy đất canh tác. Cử tri phản ánh, do bị thu hồi đất cho dự án thủy điện Chiêm Hóa trên 80% diện tích đất nông nghiệp của nhân dân trong thôn đã bị ngập nước, nên thiếu đất sản xuất nông nghiệp

TRẢ LỜI:

Sau khi giao ngành chức năng kiểm tra, làm việc cụ thể với ông Hà Xuân Cương (cử tri thôn Thôn Nà Tiệng, xã Yên Lập, huyện Chiêm Hóa) thì nội dung ý kiến, kiến nghị là: "Khi lập phương án đền bù thì lấy cả đất rừng để cân đối hỗ trợ ổn định đời sống và ổn định sản xuất do vậy dân rất thiệt thòi".

Ngày 10/8/2012, Ủy ban nhân dân huyện Chiêm Hóa có Quyết định số 249/QĐ-UBND về việc thu hồi đất xây dựng công trình Nhà máy Thủy điện Chiêm Hóa (hạng mục: Vùng ngập lòng hồ tại thôn Nà Tiệng, xã Yên Lập). Trong đó, hộ gia đình ông Hà Xuân Cương (cử tri có ý kiến), thường trú tại thôn Nà Tiệng, xã Yên Lập, huyện Chiêm Hóa bị thu hồi với tổng diện tích 2.875m2, bao gồm:

+ Đất trồng cây lâu năm khác (LNK): 314m2;

+ Đất chuyên trồng lúa nước (LUC): 2.561m2.

- Theo quy định tại khoản 1, Điều 13 Luật Đất đai năm 2003:

“1. Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất:

a) Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa, đất đồng cỏ dùng vào chăn nuôi, đất trồng cây hàng năm khác; 

b) Đất trồng cây lâu năm;

c) Đất rừng sản xuất;

d) Đất rừng phòng hộ;

đ) Đất rừng đặc dụng;

e) Đất nuôi trồng thuỷ sản;

g) Đất làm muối;

h) Đất nông nghiệp khác theo quy định của Chính phủ.”

- Tại khoản 1, Điều 20 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư quy định:

“1. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp (kể cả đất vườn, ao và đất nông nghiệp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 21 Nghị định này) thì được hỗ trợ ổn định đời sống theo quy định sau đây:

a) Thu hồi từ 30% đến 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hỗ trợ ổn định đời sống trong thời gian 6 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở và trong thời gian 12 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở; trường hợp phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian hỗ trợ tối đa là 24 tháng;

b) Thu hồi trên 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hỗ trợ ổn định đời sống trong thời gian 12 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở và trong thời gian 24 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở; trường hợp phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian hỗ trợ tối đa là 36 tháng;

c) Mức hỗ trợ cho một nhân khẩu quy định tại các điểm a và b khoản này được tính bằng tiền tương đương 30 kg gạo trong 01 tháng theo thời giá trung bình tại thời điểm hỗ trợ của địa phương.”

- Tại khoản điểm a, khoản 1, Điều 14 Thông tư số 14/2009/TT-BTNMT ngày 01/10/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định: “a) Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất nông nghiệp, lâm nghiệp khi thực hiện Nghị định số 64/CP ngày 27 tháng 9 năm 1993 của Chính phủ ban hành Bản quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp; Nghị định số 02/CP ngày 15 tháng 01 năm 1994 của Chính phủ ban hành Bản quy định về việc giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp; Nghị định số 85/1999/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 1999 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Bản quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp và bổ sung việc giao đất làm muối cho hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài; Nghị định số 163/1999/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 1999 của Chính phủ về việc giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp; Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai”;

- Tại khoản 1, Điều 7 quy định chính sách hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, mục đích phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang ban hành kèm theo Quyết định số 19/2009/QĐ-UBND ngày 29/10/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang quy định:

“1. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp (kể cả đất vườn, ao và đất nông nghiệp quy định tại Điều 9 của Quy định này) mà diện tích thu hồi không nhỏ hơn 150 m2 đất chuyên trồng lúa nước hoặc 210 m2 đất trồng lúa nước còn lại hoặc 300 m2 đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất vườn, ao thì được hỗ trợ ổn định đời sống, cụ thể như sau:

a) Thu hồi từ 30% - 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dựng quy định tại Điều này được hỗ trợ ổn định đời sống trong thời gian 06 (sáu) tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở và trong thời gian 24 (hai mươi bốn) tháng nếu phải di chuyển chỗ ở.

b) Thu hồi trên 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng quy định tại Điều này thì được hỗ trợ ổn định đời sống trong thời gian 12 (mười hai) tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở và trong thời gian 36 (ba mươi sáu) tháng nếu phải di chuyển chỗ ở.

c) Mức hỗ trợ bằng tiền cho một nhân khẩu có đăng ký hộ khẩu thường trú tại địa phương tại thời điểm thu hồi đất được Ủy ban nhân dân xã phường, thị trấn xác nhận tương đương 30 (ba mươi) kg gạo tẻ (loại trung bình)/01 tháng, giá hỗ trợ được tính theo thông báo giá của Sở Tài chính, tỉnh Tuyên Quang tại thời điểm thu hồi đất.”

Như vậy, việc áp dụng chính sách tại thời điểm thu hồi để lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho hộ gia đình đã đúng với quy định của pháp luật.