Ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV
Cử tri Xã Nhân Mục, huyện Hàm Yên đề nghị:

Tiếp tục hỗ trợ địa phương trong việc xúc tiến đầu tư, tiêu thụ xây dựng nhà máy chế biến cam, đầu tư xây dựng vùng sản xuất cam, để giữ vững thương hiệu, phát huy tối đa giá trị của cây Cam Sành, nâng cao thu nhập cho người dân. Cử tri phản ánh, hiện nay việc phát triển cây cam chưa có quy hoạch và chủ trương chung để phát triển bền vững nên việc bán sản phẩm cam gặp nhiều khó khăn và giá thành thấp

TRẢ LỜI:

Việc tìm đầu ra tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp để nhân dân yên tâm phát triển sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân luôn được lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang quan tâm chỉ đạo.

Thời gian qua, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành 03 Nghị quyết về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, thủy sản; xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; phát triển kinh tế trang trại; phát triển Hợp tác xã nông, lâm nghiệp (Nghị quyết số 10/2010/NQ-HĐND ngày 22/7/2014, Nghị quyết số 12/2014/NQ-HĐND ngày 22/7/2014 Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND ngày 13/7/2016) nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chủ lực (Cam, chè, mía,…) theo định hướng của tỉnh và gắn với thị trường tiêu thụ.

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và các đơn vị liên quan thông báo, vận động, hướng dẫn các Hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia các Hội chợ, Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm tổ chức trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, như: Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 18-AgroViet 2018; Hội chợ  triển lãm mỗi xã, phường một sản phẩm và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khu vực Trung du miền núi phía Bắc - Thái Nguyên năm 2018, Hội chợ Cam sành Hàm Yên tỉnh Tuyên Quang lần thứ III,... ngoài ra chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, Phòng Xúc tiến thương mại nông nghiệp - Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Du lịch và Thương mại Hà Nội giới thiệu, thông tin các sản phẩm nông sản, đặc sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh Tuyên Quang đến các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng phân phối thực phẩm sạch trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong nước, như: Cam sành Hàm Yên, cá Lăng, mật ong Tuyên Quang, tinh bột nghệ Tiến Phát, miến dong Hợp Thành,...

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh xây dựng các dự án mời gọi đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến cam tại tỉnh (Dự án liên kết sản xuất - tiêu thụ cam an toàn huyện Hàm Yên; Dự án Nhà máy chế biến nước cam tại huyện Hàm Yên,...); kết nối thông tin, mời gọi các nhà đầu tư đến tỉnh khảo sát, nghiên cứu cơ hội đầu tư phát triển sản phẩm cam sành Hàm Yên như: Tập đoàn Malaysia, Tập đoàn TH, Công ty TNHH Tplus, Công ty TNHH Cát Tường,… Tuy nhiên, quy mô và năng lực đầu tư chưa phù hợp, tương xứng với tiềm lực phát triển sản phẩm thế mạnh của địa phương. Hiện nay, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh đang tiếp tục nỗ lực mời gọi các nhà đầu tư đủ năng lực về tài chính và công nghệ kỹ thuật trong và ngoài nước đến tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư tại tỉnh.

Ngày 27/8/2014, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 338/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển vùng sản xuất cam sành tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2014-2020, trong đó đã nêu rõ quy hoạch tập trung tại 15 xã, thị trấn của 2 huyện Hàm Yên và Chiêm Hoá (gồm: Yên Thuận, Bạch Xa, Minh Khương, Minh Dân, Phù Lưu, Tân Thành, Yên Lâm, Yên Phú, thị trấn Tân Yên, Minh Hương, Nhân Mục, Bằng Cốc, Thái Sơn, huyện Hàm Yên; xã Trung Hà, Hà Lang huyện Chiêm Hóa). Hiện nay, trên địa bàn huyện Hàm Yên có tổng diện tích cam sành trên 7.175 ha, diện tích cho thu hoạch trên 4.575 ha, sản lượng khoảng trên 100.000 tấn/năm. Trong đó, diện tích cam sành trồng theo tiêu chuẩn VietGAP chỉ có 425,3 ha. Vì vậy, để giữ vững thương hiệu cam sành Hàm Yên, phát huy tối đa giá trị của cây cam sành, đề nghị các hộ gia đình trồng cam, Hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất và chế biến cam trên địa bàn huyện Hàm Yên cần thực hiện sản xuất theo quy hoạch, không mở rộng diện tích cam sành một cách ồ ạt; nên bổ sung, mở rộng diện tích một số giống cam mới để thu hoạch rải vụ, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng cam, tăng cường bón phân hữu cơ, hạn chế lạm dụng phân vô cơ; không sử dụng thuốc trừ cỏ tại vùng sản xuất cam; đẩy mạnh việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và theo hướng hữu cơ; từng bước xây dựng chuỗi cửa hàng tiêu thụ sản phẩm cam sành chất lượng; thúc đẩy việc xây dựng Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam sành Hàm Yên; mở rộng các hình thức chế biến, bảo quản cam sau thu hoạch theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật để kéo dài thời gian cung ứng cho thị trường; tích cực tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, nhà vườn sản xuất cam sành chủ động liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong sản xuất, tiêu thụ cam, đồng thời tích cực tham gia các hội chợ, hội nghị kết nối để giao lưu, quảng bá, xây dựng thương hiệu tìm đầu ra ổn định, bền vững cho sản phẩm cam sành.