Ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XVIII
Cử tri Xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa đề nghị:

Có chính sách hỗ trợ giống vật nuôi bằng cách cung cấp con giống bố mẹ để bà con lấy giống tại chỗ cho phù hợp với điều kiện môi trường địa phương.

TRẢ LỜI:

Trong những năm qua nghề chăn nuôi chiếm vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế hộ gia đình, thời gian gần đây đã có nhiều hộ trong tỉnh thoát nghèo, giàu lên từ phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, nguồn cung cấp con giống vật nuôi trên địa bàn tỉnh chưa được chủ động, vẫn phải nhập từ các tỉnh lân cận như: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ,... Việc nhập các giống vật nuôi từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh vừa không chủ động, vừa gây khó khăn trong công tác quản lý chất lượng giống vật nuôi, kiểm soát dịch bệnh và truy xuất nguồn gốc.

Để chủ động trong việc cung ứng con giống tốt tại chỗ cho các hộ chăn nuôi, ngày 10/4/2017 Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 03/2017/QĐ-UBND quy định chi tiết nội dung thực hiện Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2017-2020; ngày 29/12/2017 liên Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tài chính - Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Hướng dẫn số 2668/HDLN-NN-TC-KH hướng dẫn hồ sơ, trình tự thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, cụ thể như sau:

- Về hỗ trợ trâu, bò, lợn đực giống: Hỗ trợ một lần 50% giá trị con giống, nhưng không quá 25.000.000 đồng/1 con đối với trâu đực giống từ 24 tháng tuổi đến 48 tháng tuổi; không quá 20.000.000 đồng/1 con đối với bò đực giống từ 12 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi; không quá 5.000.000 đồng/1 con đối với lợn đực giống từ 06 tháng tuổi đến 15 tháng tuổi. Áp dụng cho các hộ chăn nuôi ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

- Hỗ trợ gà, vịt: Hỗ trợ một lần 50% giá trị gà, vịt giống bố mẹ hậu bị. Mức hỗ trợ bình quân đối với gà, vịt giống không quá 50.000 đồng/1 con; mỗi hộ được hỗ trợ mua không quá 200 con gà hoặc 200 con vịt giống bố mẹ hậu bị. Đối tượng hỗ trợ là phải gắn với cơ sở ấp nở để cung cấp con giống.

* Nguyên tắc hỗ trợ đối với trâu, bò, lợn đực giống và gà, vịt bố mẹ:

- Mỗi hộ chỉ được mua 01 con trâu đực giống hoặc 01 con bò đực giống hoặc 03 con lợn đực giống hoặc 200 con gà hoặc 200 con vịt giống bố mẹ hậu bị.

- Về hỗ trợ phối giống cho gia súc: Hộ chăn nuôi được hỗ trợ phối giống nhân tạo hàng năm đối với lợn, trâu, bò nếu đáp ứng điều kiện: Chăn nuôi dưới hoặc 10 con lợn nái; dưới hoặc 10 con trâu, bò sinh sản.

- Hỗ trợ đào tạo, tập huấn: Hỗ trợ kinh phí đào tạo, tập huấn cho các cá nhân về kỹ thuật phối giống nhân tạo trâu, bò, mức hỗ trợ không quá 6 triệu đồng/người.

Hiện nay các địa phương đang tổ chức triển khai, phổ biến đến các đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách trên địa bàn, vì vậy đề nghị các hộ chăn nuôi có nhu cầu và đủ điều kiện đến Ủy ban nhân dân xã hoặc Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để được hướng dẫn các thủ tục theo quy định.        

Bên cạnh đó, tỉnh Tuyên Quang có chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn theo Nghị quyết số 41/2015/NQ-HĐND ngày 22/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Từ chính sách này đã có nhiều doanh nghiệp được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, như: Dự án đầu tư xây dựng tổ hợp sản xuất giống gia súc, gia cầm tại xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương của Tập đoàn DABACO; Dự án chăn nuôi lợn công nghệ khép kín xã Lang Quán, huyện Yên Sơn của Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Thành Công.

Để con giống đảm bảo chất lượng trong giai đoạn hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo người chăn nuôi khi mua giống cần nắm vững kỹ thuật chăn nuôi và chỉ mua tại các cơ sở được phép sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi theo đúng quy định của Nhà nước; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn người chăn nuôi trong việc lựa chọn con giống đảm bảo chất lượng, thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng đúng kỹ thuật, phát triển chăn nuôi theo quy hoạch, tích cực thực hiện việc liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi để nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.

Từ năm 2007 đến 2015, trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cây giống, hỗ trợ phát triển rừng sản xuất, bao gồm: Quyết định số 21/2007/QĐ-UBND ngày 02/7/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định hỗ trợ trồng rừng sản xuất bằng nguồn vốn dự án trồng mới 5 triệu ha rừng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2007-2010; Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007-2015. Việc lựa chọn loài cây trồng theo các chính sách trên là do hộ gia đình, cá nhân tự lựa chọn loài cây và đăng ký với Ủy ban nhân dân xã, Ban Quản lý dự án cấp huyện để được hỗ trợ.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh đang thực hiện chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao (cây Keo lai được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô và cây Keo tai tượng hạt nhập ngoại) theo Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND ngày 25/7/2017 Hội đồng nhân dân tỉnh. Hộ gia đình, cá nhân có đất lâm nghiệp phù hợp với loài cây Keo và có nhu cầu hỗ trợ giống cây chất lượng cao để trồng rừng sản xuất, đề nghị các hộ gia đình, cá nhân đăng ký với Ủy ban nhân dân xã, Ban Quản lý dự án bảo vệ và phát triển rừng huyện (Hạt Kiểm lâm huyện) để được hỗ trợ theo quy định.