Ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII
Cử tri Xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa đề nghị:

Ngành chức năng nghiên cứu tham mưu cho tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho người dân trên địa bàn xã, nhất là những sản phẩm có thế mạnh của địa phương như cây chuối tây, cây tre Chinh lấy măng.

TRẢ LỜI:

Trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành một số chính sách nhằm thúc đẩy ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển ổn định và bền vững, trong đó có chính sách về hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và phát triển thị trường, như: Các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh (Nghị quyết số: 10/2014/NQ-HĐND, 12/2014/NQ-HĐND, 05/2016/NQ-HĐND, 11/2019/NQ-HĐND) quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi, phát triển Hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Quyết định số 04/2020/QĐ-UBND ngày 05/5/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt danh mục, quy mô ngành hàng, sản phẩm khuyến khích, ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp,... Các chính sách được ban hành đã góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, phát triển thị trường nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Hằng năm các sở, ngành của tỉnh đã triển khai và hướng dẫn nhân dân thực hiện tổ chức sản xuất nông sản hàng hóa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, áp dụng tiêu chuẩn sản xuất, đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường và sản xuất theo hợp đồng liên kết để tiêu thụ sản phẩm,...

Tại xã Tri Phú, đã tổ chức 01 lớp tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm trong sơ chế, chế biến măng khô cho Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Tri Phú với 22 người tham gia. Đồng thời, tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn các xã lân cận có hoạt động thu mua, sơ chế, chế biến chuối, măng khô thực hiện liên kết sản xuất, chế biến, kinh doanh theo đúng quy chuẩn kỹ thuật đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ pháp lý có liên quan đến công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; hỗ trợ 140.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho 14 cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy, sản,...

Để đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, phát triển thị trường nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh giao:

-  Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

+ Rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung các chính sách đã ban hành và xây dựng các chính sách hỗ trợ mới phù hợp, sát với điều kiện sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

+ Tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm.

+ Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh và các đơn vị liên quan để triển khai công tác xúc tiến thương mại và tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh đến người tiêu dùng.

+ Tăng cường công tác hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh, huyện Chiêm Hóa xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn; hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định.

- Ủy ban nhân dân huyện Chiêm Hóa tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản các quy định về an toàn thực phẩm; các chính sách về hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.