Ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ bảy HĐND tỉnh khóa XIX
Cử tri Xã Tân An, huyện Chiêm Hóa đề nghị:

Xem xét bổ sung cây Sơn vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh và có kế hoạch phát triển, liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm bền vững

Tình trạng: Đã được trả lời nhưng do khó khăn về nguồn lực, cơ chế chính sách

TRẢ LỜI:
Theo Báo cáo số 66/BC-UBND ngày 05/4/2024 của UBND tỉnh về việc giải quyết kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 7

Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2035 phê duyệt tại Quyết định số 461/QĐ-UBND ngày 09/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh không xác định cây Sơn là cây trồng chính. Hiện nay, theo Điều 4, Mục I Thông tư 22/2021/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính; công nhận giống và nguồn giống cây trồng lâm nghiệp (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1, Điều 3 Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư trong lĩnh vực lâm nghiệp), quy định về tiêu chí loài cây lâm nghiệp chính như sau: “Đối với loài cây trồng rừng sản xuất: là cây bản địa hoặc cây nhập nội có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế, đáp ứng mục đích sản xuất, kinh doanh và phù hợp với điều kiện lập địa nơi trồng”. Như vậy, để bổ sung cây Sơn vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh (cây lâm nghiệp chính) cần phải có nghiên cứu, tổng kết đánh giá cụ thể về tất cả các tiêu chí: Năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế, đáp ứng mục đích sản xuất, kinh doanh và sự phù hợp với điều kiện sinh trưởng tại địa phương.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các trình tự, thủ tục nghiên cứu, đánh giá giống cây trồng theo quy định để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh.